Một trong những vấn đề lớn của dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi vừa được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhận được ý kiến đồng thuận chính là quy định quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân. Những điểm mới trong dự luật có thể nói thể hiện rõ sự quan tâm đến “tương lai” của những người thực hiện nghĩa vụ quân sự, góp phần giải quyết những bất cập bấy lâu nay.

Một điểm đáng lưu ý chính là cơ cấu, thành phần thanh niên nhập ngũ hàng năm hiện nay. Số liệu trong Báo cáo của Ủy ban Quốc phòng- An ninh của Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về nghĩa vụ quân sự và công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân cho thấy: Một bộ phận công dân đã có việc làm, có trình độ học vấn cao, có chuyên môn kỹ thuật và con em cán bộ công chức, các gia đình có điều kiện kinh tế thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ chưa nhiều (chỉ chiếm 4,94%) và có xu hướng giảm; con em nông dân, người chưa có việc làm chiếm số đông (trên 80%) và có xu hướng tăng; tỷ lệ con em là người dân tộc còn thấp (khoảng 14%); tỷ lệ công dân có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số thanh niên nhập ngũ hàng năm trong khi tổng số sinh viên trung bình trong các năm gần đây luôn ở khoảng trên 1,5 triệu người”.

Do đó, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhiều ý kiến đại biểu và cho rằng, việc quy định về quyền lợi, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân là một giải pháp quan trọng để thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện số công dân phục vụ tại ngũ chiếm tỷ lệ nhỏ so với công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Đây cũng là nội dung quan trọng để cụ thể hóa nội dung của Hiến pháp về việc bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sĩ, công nhân viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân và chính sách hậu phương quân đội.

thanh_nien_xivl.jpgNhiều ý kiến đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự

Quyền lợi và chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và xuất ngũ trong dự thảo Luật do Chính phủ trình cơ bản kế thừa các quy định của Luật hiện hành, nhưng một số quy định trong luật hiện hành không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chưa thể hiện được chính sách động viên, khuyến khích.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội và Ban soạn thảo rà soát các quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Các ý kiến đề nghị chỉnh lý, bổ sung một số chính sách như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và tổ chức kinh tế trong việc tiếp nhận, bố trí việc làm, bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng trước khi nhập ngũđối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ.

Đối với công dân trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó; được trợ cấp tạo việc làm thống nhất theo quy định của Chính phủ để đi học nghề, tạo việc làm phù hợp với hoàn cảnh của từng người; được tạm hoãn trả khoản nợ vay để học tập theo quy định của Chính phủ.

Cho rằng chính sách hiện hành “chưa đủ độ” để người được gọi nhập ngũ yên tâm lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá việc bổ sung cơ chế, chính sách trong dự thảo luật sửa đổi sẽ “góp phần thôi thúc, động viên anh em đi làm nghĩa vụ và gia đình yên tâm, nhất là về việc làm, ổn định cuộc sống”./.