Hiệp hội Taxi Hà Nội mới đây đã có bản kiến nghị gửi tới Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan về việc dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do gây "bất an" cho xã hội khi số lượng xe đã lên đến hơn 50.000 chiếc, theo cách họ gọi là"phá vỡ mọi quy hoạch".

a2_nlbe.jpg
Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị phải quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber như taxi. Ảnh minh họa.

Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng

Đơn kiến nghị do Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Đỗ Quốc Bình thay mặt Hiệp hội taxi Hà Nội gửi các cơ quan đề nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT ban hành bằng quyết định 24/QĐ-BGTVT.

Cụ thể, theo Hiệp hội taxi Hà Nội, Bộ GTVT đã cố tình không giới hạn số lượng xe tham gia thí điểm, mặc dù UBND TP. Hà Nội và TP.HCM kiên quyết phản đối làm xe hợp đồng dưới 9 chỗ bùng nổ, mất kiểm soát khi lượng xe thí điểm chạy cho Grab, Uber tăng lên 50.000 xe chỉ trong 18 tháng.

Hiệp hội này kiến nghị dừng ngay việc gia tăng số lượng xe tham gia thí điểm trong tháng 9/2017, yêu cầu Bộ GTVT phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm. Đồng thời Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cần phải thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam.

Theo Hiệp hội này, trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không có dịch vụ kết nối vận tải nên Việt Nam có thể toàn quyền quyết định quản lý các hoạt động của Uber, Grab. 

“Bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Vì vậy, Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam”, nội dung văn bản nêu rõ.

Grab, Uber muốn hoạt động phải thành lập công ty tại Việt Nam

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Vì vậy, Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Grab, Uber muốn hoạt động phải thành lập công ty tại Việt Nam và phải chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động như các hãng taxi khác.

Trước khi có quy định quản lý chính thức, đối với xe thí điểm hợp đồng điện tử, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị: ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo, biểu trưng của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết và giao các Sở GTVT địa phương in và cấp phát logo nhận diện.

Hiệp hội này yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị quản lý xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030.

“Đề nghị Grab, Uber phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện; chia sẻ thông tin về doanh thu chịu thuế ở mức 20% phía Grab và Uber đang hưởng còn 80% doanh thu thuộc về đối tác cho các cơ quan quản lý nhà nước”, nội dung văn bản nêu.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, số lượng xe tham gia thí điểm đã vượt xa quá mức quy hoạch vận tải của địa phương. Chính vì thế, Bộ GTVT phải có văn bản khẩn cấp cho phép các địa phương được toàn quyền đưa ra các giải pháp giảm tải các xe tham gia thí điểm.

Do đó, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng kiến nghị sửa đổi nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải bằng ôtô bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi.

Định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở GTVT nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.

Đối với loại hình xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi, dùng phần mềm kết nối giữa hành khách và lái xe, tính cước thông qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cần phải đặt, gọi tên đúng theo bản chất hoạt động là "taxi đặt xe qua mạng" để quản lý phù hợp với thực tiễn./.

Hiệp hội vận tải Hà Nội đồng ý đề xuất

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho biết, Hiệp hội đồng tình với đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội.

Theo ông Liên, một bộ phận người dân ủng hộ loại hình Uber, Grab vì sự thuận tiện, nhanh chóng, giá rẻ. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, do không chịu quản lý về giá nên Uber, Grab tăng giá hết sức tùy tiện. Ngay như trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, bất kể giờ nào các hãng này cũng tăng giá ít nhất gấp đôi. Về mặt quản lý nhà nước, vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhà nước quản lý giá. Uber, Grab không đăng ký giá theo quy định của Bộ Tài chính vì thế nhà nước cũng bị thất thu về thuế. “Khi họ tăng giá cũng không thể xử phạt”, ông Liên nhận định.

Có thể nói, Hà Nội đang “vỡ trận” vì mật độ giao thông, ùn tắc diễn ra ở hầu hết mọi thời điểm trong ngày. Trong Luật Thủ đô có quy định giới hạn số lượng taxi. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại cho thí điểm Grab tại Hà Nội nên số lượng taxi chạy dưới danh nghĩa hợp đồng càng được dịp bùng phát.

Ông Liên nêu ví dụ, để giảm tải giao thông, cơ quan chức năng cấm taxi đi trên cầu Chương Dương giờ cao điểm từ phía Bắc về phía Nam. Hãng taxi Thành Công nằm ngay sát chân cầu Chương Dương nhưng giờ cao điểm vẫn phải vòng qua cầu Vĩnh Tuy để đi về phía trung tâm thành phố. Trong khi đó, Uber, Grab cũng kinh doanh lại được tự do chạy. Điều này khiến giao thông giờ cao điểm trên cầu lại tiếp tục lâm vào cảnh ùn tắc nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý.