Phát biểu tại Tọa đàm khoa học về chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số tổ chức tại Hà Nội ngày 8/9, ông Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhấn mạnh, Uber, Grab chính là phép thử đối với định hướng thúc đẩy khoa học công nghệ trong thực tiễn đời sống và trong hoạt động kinh tế. Đây là phép thử đối với hoạt động chính sách của Chính phủ trong khi đang thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0. 

uber_grab_zszc.jpg
Uber, Grab đang dần chiếm lĩnh thị phần thị trường taxi Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Uber, Grab là loại hình gì?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, nếu từ chối Uber, Grab hay thiết lập các rào cản đối với loại hình công nghệ này thì sẽ phát đi thông điệp là chúng ta nói thúc đẩy khoa học công nghệ và sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế lại không như vậy. Điều này không chỉ tác động riêng ngành vận tải mà còn đối với nhiều lĩnh vực kinh tế khác. 

Ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nếu hạn chế loại hình công nghệ này tức hạn chế đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh, làm chậm sự đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì Uber và Grab không phải là loại hình taxi mà thuộc nhóm xe hợp đồng.

Ông Thành phân tích: Thông qua phần mềm công nghệ, trước khi bước lên xe, khách hàng đã biết lộ trình và phí phải trả và khi đó hợp đồng cũng đã được ký kết xong. Bản chất thì Uber và Grab không phải là taxi dù ngày càng thay thế chức năng của xe taxi tại các đô thị.

TS. Nguyễn Đức Thành cũng cho biết thêm, nếu như nhà quản lý và người tham gia soạn thảo chính sách không phân biệt rõ ràng thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn: "Thực tế là cái cốc nhưng lại nhìn như cái đĩa", và có những chính sách thiếu phù hợp đối với loại hình này.

Trên thực tế, nhiều nhà quản lý địa phương đã có suy nghĩ Uber, Grab giống như taxi và đây là một hãng taxi, nếu phát triển quá nhanh thì cần có điều tiết nên có khuynh hướng đưa ra giới hạn với Uber, Grab, thậm chí có địa phương có chính sách cấm loại hình này.

Quản lý Uber, Grab thế nào?

Ông Đỗ Hoài Nam, CEO kiêm đồng sáng lập UP-Co Working Space (Không gian làm việc chung hàng đầu Việt Nam) cho rằng, khi khoa học công nghệ đi vào mọi ngõ ngách cuộc sống thì cần có cái nhìn đa chiều, nếu không nhìn đúng bản chất vấn đề thì có thể "nhìn cái cốc ra cái đĩa" và không bao giờ quản lý được.

Tọa đàm về chính sách quy hoạch giao thông đô thị trong kỷ nguyên số

Theo ông Nam, thay vì hạn chế Uber, Grab thì nên bắt buộc taxi truyền thống phải có thay đổi công nghệ. Nếu nói đến bài toán tối ưu hóa, thì theo nghiên cứu rộng rãi thì tỷ lệ lấp đầy Uber, Grab là hơn 75% còn taxi truyền thống được 25%. Như vậy, 3 chiếc taxi truyền thống mới có hiệu suất bằng 1 Uber, Grab.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng,cần có cái nhìn khách quan đối với loại hình vận chuyển Uber và Grab. Từ khi thí điểm Uber, Grab đã tạo sự cạnh tranh, một số hãng taxi truyền thống đã đổi mới công nghệ, cũng từ khi có loại hình này thì việc các hãng taxi truyền thống tăng giá hầu như không còn nữa.

Theo ông Vinh, cần đánh giá kỹ càng hơn về hiệu quả của Uber, Grab để có lựa chọn chính sách tốt nhất trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang tích cực chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi cuộc cách mạng này quan trọng là kết nối, chia sẻ thông tin.

TS. Đặng Quang Vinh đề xuất, quan điểm quản lý nhà nước nên đúng chỗ chứ không nên "bắt nhầm còn hơn bỏ sót". Cùng với đó, nên cởi bỏ bớt những quy định, điều kiện, cho phép tự do hóa vận tải taxi để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo tính an toàn.

Xu hướng chung là nền kinh tế chia sẻ, đòi hỏi cách thức quản lý, khai thác nguồn lực mới để tận dụng tối đa, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo,... Vì thế, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới là việc nên làm để nền kinh tế chia sẻ phát triển được ở Việt Nam./.