Bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản trong trận mưa lũ lịch sử vừa xảy ra, hiện tại ở Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh) và xã đảo Việt Hải (đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng) lại phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Ở những khu vực bị mưa lũ tấn công khốc liệt nhất cũng là nơi đang phải chịu cảnh rác thải và xú uế bao vây.
Các đoàn cứu trợ phải lội bì bõm vào trong làng vì ngập lụt vẫn kéo dài. Ảnh: Lý Trung |
Xác động vật trôi nổi khắp nơi
Ngày 11/8, khi đoàn cứu trợ chúng tôi ra xã đảo Việt Hải, mực nước tại đây vẫn dâng cao cả mét. Mọi việc đi lại của người dân trong làng chủ yếu là thuyền kayak, mủng, phao. Ngoài ra, lực lượng Biên phòng vẫn tiếp tục dùng xuồng để vận chuyển người và lương thực thực phẩm, vật dụng vào làng.
Xuồng chạy tới đầu làng, từng đoàn cứu trợ xắn quần lội xuống, mang vác những thùng hàng vào Nhà văn hóa xã. Bỗng mùi hôi thối xộc lên khiến ai nấy đều rùng mình, bịt mũi. Một người trong đoàn lên tiếng: “Đeo khẩu trang vào!”. Đã từng có kinh nghiệm đi thiện nguyện cùng các đoàn vào vùng nước lũ, anh Trần Minh Chung - một thành viên trong đoàn vội lấy trong túi áo ngực chiếc khẩu trang đeo cho mình và dẫn đoàn vào.
Vào sâu trong làng, nước vẫn ngập, có chỗ nước vẫn còn cao 80cm, có chỗ hơn mét. Hai bên nhà dân, những búi rác trôi lềnh bềnh giữa đường. Mùi xú uế như xác động vật, chất thải trong các nhà vệ sinh xộc ra càng nặng nề. Một người dân chỉ vào xác con gà đang dạt trong góc tường nhà mình nói: “Bây giờ nắng lên, xác động vật phân hủy bốc mùi rất kinh khủng. Mấy ngày qua, nước lũ còn đọng lại trong làng cứ đục dần lên vì xác động vật đang giai đoạn phân hủy, hòa trong nước. Nhiều người lo lắng dặn bọn trẻ không được tự ý lội nước vì sợ nấm chân tay”.
Anh Huy, xóm 2 cho biết: “Mấy ngày trước, trong thôn không có hiện tượng hôi thối. Trong khi số lượng gia súc bò, lợn và gia cầm trong thôn mất tích cũng gần trăm con. Nhiều khả năng, xác của chúng đã trôi theo dòng nước vào bìa rừng. Tuy nhiên, hai ngày nay, tình trạng ô nhiễm ở đây đã bắt đầu xuất hiện”.
Cũng theo anh Huy, việc ô nhiễm sau mưa lũ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, may mắn Việt Hải là xã đảo bao quanh là rừng rộng nên khi xác động vật phân hủy, nó cũng không gây ra nguy cơ quá lớn…”.
Bùn đất ngập trong nhà hàng mét
Bác sĩ Đoàn Văn Đoan, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Cát Hải cho hay: “Hiện nay, đã nắng nóng trở lại nhưng mỗi ngày, mực nước trong làng Việt Hải cũng chỉ rút được 20 - 40cm. Nhằm khống chế dịch bệnh hoành hành làng xã đảo, phòng y tế huyện đã triển khai cấp phát cho 71 gia đình trong làng Việt Hải 71 bình xịt khử côn trùng, dọn dẹp vệ sinh khu công cộng. Hiện, phòng cùng Trạm quân y đang đợi chờ khi nước rút sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ thu dọn vệ sinh nhà cửa, xịt hóa chất khử khuẩn và diệt côn trùng tại những điểm ngập lụt.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cát Hải đã lên sẵn kế hoạch diệt côn trùng tại các điểm ngập lụt khi nước rút. |
“Việc không tìm thấy xác động vật, gia súc, gia cầm chết là vì chúng đã trôi theo dòng nước về phía cuối nguồn. Tuy nhiên, đây không nằm trong khu cung cấp nước ngọt cho xã đảo nên nguồn nước sinh hoạt của người dân và biên phòng không bị ảnh hưởng nhiều”, bác sĩ Đoan chia sẻ thêm.
Tại khu dân cư phường Mông Dương (Cẩm Phả, Quảng Ninh), tình trạng bùn thải tràn xuống hàng trăm hộ dân bám trên tường giờ cũng đã được người dân nhanh chóng dọn dẹp. Riêng khu dân cư tổ 1, phường Mông Dương, nhiều ngôi nhà vẫn đang bị bùn đất lấp dày trong nhà từ 3 - 4m.
Theo lời một chuyên gia ngành quản lý môi trường, trận mưa lũ kéo dài vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho Quảng Ninh. Không chỉ thiệt hại về người, tài sản mà còn khiến Quảng Ninh phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do lượng lớn than bùn tràn ra ngoài từ những mỏ than bị sạt lở.
Theo ước tính, có khoảng 10.000 tấn than mới khai thác đang tập kết ở các kho tạm ngoài trời đã bị cuốn theo dòng nước mưa, làm bồi lấp nhiều hồ lắng, sông, suối, kênh thoát nước và khu vực dân cư… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Để khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, chính quyền, người dân đã tiến hành ngay việc nạo vét các hồ bị lấp, khơi cống, kênh mương, sông suối để tiêu thoát nước cho khu vực./