Trong 4 ngày trở lại đây, từ sáng sớm cho đến đêm, hình ảnh dễ thấy trên đường Chu Văn Thịnh, khu vực tổ 05, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La là xe máy, ô tô chở theo can, đi lấy nước sinh hoạt.

Tuy nhiên nguồn nước này lại được nhiều người sử dụng để giặt quần áo, rửa rau, tắm nên không đảm bảo vệ sinh, không thể dùng để nấu ăn.

vov_mat_nuoc_jxtc.jpg
Ngay từ sáng sớm, mặt nước mó chỉ rộng gần 20 mét vuông đã nổi lềnh bềnh bọt xà phòng.

Bà Nguyễn Thị Nga, tổ 08, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La cho biết: "Mấy hôm nay mất nước, người dân chúng tôi không có nước sử dụng. Tôi rất mong muốn các nhà chức năng sớm xử lý".

Việc mất nước khiến cuộc sống của hàng nghìn vạn dân thành phố Sơn La bị đảo lộn, thậm chí nhiều người xin nghỉ việc, để đi lấy nước về sử dụng, nhiều hộ gia đình kinh doanh bị ảnh hưởng.

Do mất nước nên nhiều người tới đây tranh thủ giặt quần áo.

Gia đình anh Trần Ngọc Hà, 175 đường Lò Văn Giá, thành phố Sơn La làm bánh cuốn từ nhiều năm nay.

Khi mất nước, gia đình anh phải dùng ô tô đi chở nước về sinh hoạt, ngoài ra còn phải mua nước đóng bình với giá 15.000 đồng/bình/18 lít, chỉ trong vài ngày mất nước đã thiệt hại gần 2 triệu đồng.

 Anh Trần Ngọc Hà dùng xe ô tô đi lấy nước, nhưng vẫn không đủ để sinh hoạt.

Theo ông Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc xí nghiệp cấp nước số 1, Công ty Cổ phần cấp nước Sơn La cho biết, nguyên nhân mất nước là do nguồn nước cấp cho nhà máy bị ô nhiễm bởi nước thải sơ chế cà phê tại đầu nguồn.

Nhiều hộ gia đình tự sơ chế cà phê đã xả thẳng nước thải ra môi trường, một vài cơ sở chế biến cà phê có quy mô lớn chỉ chứa nước thải vào các công trình chứa nước trên đất mà không có công nghệ xử lý nước thải.

Nước thải từ các công trình chứa không đảm bảo này sẽ thường xuyên ngấm vào đất và các hang các tơ, nhưng nguy hiểm hơn nếu công trình chứa bị bục, vỡ bờ hoặc nước mưa gây tràn sẽ đổ nước thải trực tiếp ra môi trường.

Nước tới bể khử cứng tại nhà máy có mùi rất hôi, khó chịu.

"Đây là nguồn nước duy nhất của 2/3 thành phố, nên trước mắt chúng tôi phải tạm ngừng cấp nước và đã thông báo cho các ngành chức năng, thành lập các đoàn liên ngành cùng phối hợp với ủy ban tỉnh đi kiểm tra, đánh giá, theo đề xuất của công ty. Chúng tôi cũng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành kiểm tra điều kiện sản xuất các cơ sở cà phê trên đầu nguồn. Đối với cơ sở không có công trình xử lý nước thải đảm bảo, chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm".

Tình trạng này đã xảy ra từ 4 năm nay, cứ vào từ tháng 10 tới tháng 12, thời điểm vụ thu hoạch, chế biến cà phê thì tình trạng nguồn nước cấp cho nhà máy nước thành phố Sơn La thường bị ô nhiễm, dẫn đến phải dừng hoạt động cấp nước, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của người dân./.