Mỗi dịp năm hết Tết đến, người Thái Tây Bắc vẫn duy trì tục rửa mặt nước mới, với ước nguyện rửa trôi những điều kém may mắn trong năm cũ, đón nhận sự an lành của một năm mới.
Đã thành thông lệ, sau đêm giao thừa, tức đã chính thức bước sang ngày mới của năm mới, người Thái từ già trẻ, gái trai không ai quên ra bến nước, mó nước linh thiêng của bản hay giếng nước của gia đình để “rửa mặt nước mới”.
Các cô gái dân tộc Thái trắng, Ảnh: KT |
Vì ngày xưa, cả bản dùng chung một mó nước, bến nước, nên cũng là dịp để mọi người đua nhau dậy sớm hơn mọi ngày. Người Thái thường quan niệm, ai dậy sớm, múc, hứng được xô nước, gáo nước đầu tiên trong lành tinh khiết nhất thì người đó sẽ được may mắn, an lành hơn trong năm mới.
Tục này có từ bao đời nay, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc của đồng bào Thái. Và tục này chỉ tính từ sau đón giao thừa cho đến sáng sớm ngày 1 Tết nguyên đán.
Ông Tòng Xôm, người am hiểu về văn hoá Thái ở bản Mòng, xã Hua La, TP Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết ý nghĩa của tục “rửa mặt năm mới”: “Rửa mặt bằng nước mới của năm mới, tức là buổi sáng sớm của sau đêm giao thừa thì người ta quan niệm là tất cả đều mới, bởi vì bước sang năm mới, giờ mới thì nguồn nước vậy. Cả bản, cả làng, cả xóm người ta chung nhau một bến nước, hoặc một mó nước, cho nên ai cũng tranh nhau dậy sớm để được rửa trước cái giọt nước mới đầu tiên của năm, ai mà đi trước được có nghĩa là sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn và cuộc sống sẽ an lành hơn”.
Nước rửa mặt năm mới phải là nguồn nước mó linh thiêng chảy tự nhiên. Vì thế, nếu như rạng sáng mồng một Tết nguyên đán người già hoặc trẻ em nhỏ không dậy sớm được để đi rửa mặt tại mó nước thiêng của bản, thì những thành viên trong gia đình sẽ gánh nước về nhà cho các thành viên khác trong gia đình cùng rửa mặt nước mới.
Ông Tòng Xôm cho biết thêm: “Người ta khai thác nước chảy từ khe đá ra, hoặc từ núi cao xuống, hoặc từ mó nước đủn lên thì giọt nước rất trong lành, rất mát, sạch. Cho nên đã là nước mới thì người ta không muốn cho nó vẩn đục một tí nào, không dùng nước chảy qua chỗ này chỗ kia hoặc dùng lại thì không gọi là nước mới”.
Mọi người vừa rửa mặt vừa cầu khấn. Lời cầu khấn lúc rửa mặt rất phong phú cho từng lứa tuổi, từng công việc. Ví dụ: người già thường cầu mong có sức khoẻ, trường thọ; các chàng trai cô gái thì cầu mong da dẻ hồng hào như ánh ban mai, xinh tươi như hoa trên núi, như búp trên cành, trắng trẻo như dòng suối mát; người làm nghề kinh doanh buôn bán thì cầu khấn ăn nên làm ra, có nhiều tài lộc; trẻ em thì cầu mong học hành tiến bộ, đạt kết quả cao…
Những lời cầu khấn ấy đều được cha ông truyền dạy một cách bài bản từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chị Tòng Thị Vinh, ở bản Mòng, xã Hua La, TP Sơn La khấn như thế này trong ngày rửa mặt nước mới ngày Tết: "Rửa mặt cho mặt hồng hào xinh tươi, cầu cho sức khoẻ không ốm đau bệnh tật, có cuộc sống an lành như nguồn nước trong xanh chảy mãi”.
Rửa mặt nước mới của đồng bào Thái ý nghĩa là vậy, cho nên dù ngày Tết bận rộn trăm công ngàn việc nhưng ai cũng không quên dậy sớm để ra mó nước chung của bản, hay giếng nước của gia đình để tranh thủ rửa mặt và cầu khấn những điều may mắn nhất. Đây thực sự là một nét văn hoá độc đáo của người Thái Tây Bắc mỗi dịp Tết đến xuân về và được đồng bào duy trì./.