Hàng ngày, người dân phải vượt suối để qua lại, nguy hiểm nhất là các em học sinh đi học dễ bị nước cuốn trôi. Đã có nhiều trường hợp bị trôi xe, trượt ngã khi băng qua dòng nước chảy xiết. Hàng trăm hộ dân ở 2 bờ sông Vầu mong chờ xây cầu mới để đi lại an toàn.
Mấy hôm nay, khu vực miền núi huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có mưa to, nước thượng nguồn đổ về, nước sông, suối dâng cao, chảy xiết. Cầu sông Vầu nối xã Ba và xã Tư, huyện Đông Giang bị hỏng, nhiều người phải vượt con suối nước chảy xiết để đi làm, đi học. Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Tư cho biết đã có nhiều người bị trôi xe, té ngã khi đi qua đoạn suối này.
“Đi đường này nguy hiểm lắm, hôm trước đi xe máy qua trôi cả xe máy, xe chết máy đâu có đi được. Mưa to nước xuống là không đi được, giờ lội suối cũng sợ trôi mà đi trên cầu cũng sợ sập cũng khổ nhưng bắt buộc phải đi vì cuộc sống”, chị Thu nói.
Cầu sông Vầu hỏng nặng nên chính quyền địa phương tạm đóng, việc đi lại của hơn 600 hộ dân nơi đây gặp nhiều trở ngại. Nhiều học sinh phải nghỉ học, việc đi lại sản xuất, làm ăn của bà con bị đình trệ, cuộc sống đảo lộn. Đáng lo nhất là việc chở bệnh nhân cấp cứu qua suối trong điều kiện mưa gió cực đoan như hiện nay.
Bác sĩ Phạm Thị Kim Bằng, Trưởng Trạm Y tế xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam kể, cách đây mấy hôm, bà đã phải gọi điện cầu cứu lực lượng Công an, Thanh niên xung kích xã Ba hỗ trợ khiêng bệnh nhân lội suối đi cấp cứu trong đêm.
“Ngày 12/11 trong đêm hôm đó có 2 ca cấp cứu, 7 giờ cấp cứu 1 ca sốt co giật trẻ em. Bình thường nếu cầu thông, họ chạy từ nhà tới khoảng 3 phút cấp cứu rất nhanh, nhưng tới trễ trẻ sốt cao, co giật tím tái. Sau đó, đến 1 giờ sáng thêm 1 ca cấp cứu do hen suyễn. Khi người nhà cõng bệnh nhân qua suối tới Trạm y tế thì đã hôn mê rồi. Lúc đó, tôi điện nhờ lực lượng Dân quân và Công an hỗ trợ. Giữa đêm tối mà qua suối thì không ai dám lội nhưng lúc bệnh nhân cấp cứu thì một mình chạy cầm cái đèn pin cũng chạy”, bác sĩ Bằng cho hay.
Cầu sông Vầu nằm trên tuyến DH nối xã Ba với xã Tư, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Cầu này xây dựng từ năm 1999. Đầu tháng 11 vừa qua, trên địa bàn huyện Đông Giang xuất hiện đợt mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao, chảy xiết gây xói lở lòng sông, cây cầu bị sụt lún nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
Ông Phạm Kim Thông, Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố này, chính quyền xã đã cho rào chắn cầu, cắm biển cảnh báo và cử lực lượng ứng trực cấm người và phương tiện qua lại. Việc đóng cầu đã gây nhiều khó khăn cho người dân đi lại làm ăn, vận chuyển hàng hóa.
“Ở miền núi thường hay có lũ quét và lũ ống đi ngang qua, gặp lũ quét, lũ ống xuống là cuốn trôi luôn, rất nguy hiểm. Xã cũng đã thuê xe múc ở dưới để cho mực nước thấp lại để bà con đi qua. Bà con nhân dân cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh cũng như huyện quan tâm đầu tư là cầu sớm cho bà con. Bởi vì miền núi chủ yếu làm nông nghiệp, lâm nghiệp giao thông ách tắc là hạn chế phát triển kinh tế”, ông Thông nói.
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam đã thành lập Đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và khẳng định, cầu sông Vầu bị hư hỏng nghiêm trọng không thể khắc phục. Sở Giao thông - Vận tải tỉnh đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng cầu mới lớn hơn cây cầu cũ, kinh phí khoảng 25 tỷ đồng. Trong thời gian chờ xây cầu mới, huyện Đông Giang sẽ làm tuyến đường tránh dài khoảng 5 km cho người và phương tiện thô sơ lưu thông tạm thời.
Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đang tập trung xe múc, xe ủi đẩy nhanh tiến độ thi công, đầu tháng 12 tới có thể đưa tuyến đường tạm này vào sử dụng.
“Huyện cũng đã chỉ đạo cho ngành kinh tế hạ tầng của huyện cùng với địa phương xã Ba tập trung phương tiện xe múc, xe ủi, san gạt đoạn đường này mở rộng ra. Làm tuyến đường tránh để đảm bảo cho bà con lưu thông trong thời gian sớm nhất để bà con đi lại thuận lợi, lưu thông hàng hoá cũng như là phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Tùng cho biết thêm./.