Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cơ hội để tỉnh Khánh Hòa phát triển, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, tỉnh Khánh Hòa huy động nhiều nguồn lực tập trung phát triển kinh tế - xã hội tại 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các chính sách đặc thù sẽ khắc phục những bất cập và thực hiện mục tiêu phát triển 2 huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.
Hiện nay, đời sống của đồng bào huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giao thương, phục vụ sản xuất tại địa phương này chưa đồng bộ.
Ông Cao A Phương, ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết, bà con nơi đây chủ yếu trồng rừng, chăn nuôi, trồng lúa và cây ăn quả. Trước đây, bà con gặp khó khăn vận chuyển nông sản, gỗ rừng trồng, thương lái khó tiếp cận do đi lại khó khăn, dẫn đến giá bán nông sản thấp. Theo ông Cao A Phương, người dân mong sớm được tiếp cận các nguồn vốn chính sách để thoát nghèo, giao thông thuận lợi, vươn lên làm giàu.
“Đường sá, hạ tầng giao thông, đường vào khu sản xuất, trồng lúa nước được nhà nước đầu tư giúp cho việc vận chuyển nông sản, đi lại của bà con thuận tiện hơn, giá thành nông sản cũng cao hơn”, ông Phương nói.
Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phía tây của tỉnh Khánh Hòa, nhất là 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn nhiều khó khăn. Đây là những huyện nghèo, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các chính sách đặc thù sẽ giúp khu vực này phát triển nhanh và bền vững.
Bà Cao Thị Ngọc Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, nguồn kinh phí từ các chính sách đặc thù sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, đẩy mạnh dạy nghề để tạo việc làm.
“Xã đã xây dựng các chương trình trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương đối với thực hiện Nghị quyết 09. Đưa vào nội dung tuyên truyền để đẩy mạnh nhận thức bà con hiểu về Nghị quyết 09, thực hiện theo chương trình hành động mà xã ban hành, nhằm mục đích lớn nhất là phát triển kinh tế và thoát nghèo ở địa phương”, bà Thanh cho hay.
Nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, chính sách đặc thù sẽ giúp 2 huyện miền núi khắc phục tình trạng chênh lệch phát triển so với các nơi khác trong tỉnh và hướng tới mục tiêu xây dựng 2 huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.
“Chúng tôi đang rà soát các danh mục đầu tư xây dựng. Ngoài các chương trình mục tiêu thì có nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh theo cơ chế của Nghị quyết 55 cho 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thì chúng tôi tiếp tục đầu tư. Hướng đầu tư tập trung cho các công trình mang tính liên vùng, kết nối, có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội trọng điểm, kích cầu cho việc phát triển kinh tế xã hội ở Khánh Vĩnh”, ông Hường nói.
Theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có quy định: “HĐND tỉnh Khánh Hòa quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Cơ chế, chính sách này là căn cứ pháp lý khi tỉnh Khánh Hòa sử dụng ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có điều kiện tốt hơn để hỗ trợ cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
“Phải xác định toàn bộ nguồn lực tập trung cho 2 huyện nghèo, mục đích cuối cùng vẫn là nâng cao đời sống, giúp thoát nghèo bền vững và thu nhập ngày càng cao hơn. Ngoài ngân sách Trung ương thì ngân sách địa phương cũng hỗ trợ, ưu tiên các công trình, con đường, hạng mục liên kết vùng, liên kết xã này với xã kia, công trình phục vụ cho sản xuất. Khi liên kết vùng được rồi thì phục vụ cho quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu thông hàng hóa, mục tiêu giúp đỡ bà con ở các vùng sâu vùng xa thuận lợi trong phát triển kinh tế”, ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết./.