Để đồng vốn này phát huy hiệu quả cần có các giải pháp sinh kế giảm nghèo với những mô hình kinh tế định hướng hỗ trợ người dân miền núi vươn lên làm giàu bền vững.

Có gần 1 ha đất sản xuất nhưng thiếu vốn và không biết cách làm ăn nên nhiều năm trước, gia đình bà Hứa Thị Thoa, thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Từ ngày tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng bưởi da xanh, được hỗ trợ cây giống bưởi da xanh và vay vốn giảm nghèo, bà Thoa mạnh dạn phát triển mô hình vườn cây ăn quả. Sau 3 năm chăm bón, cây bưởi cho thu hoạch. Bà Hứa Thị Thoa cho biết, Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình đã sử dụng đồng vốn hiệu quả để thoát nghèo.

“Lúc đầu vay vốn chính sách về trồng cây bưởi, trồng keo, cũng đầu tư dần, lấy cây ngắn nuôi cây dài rồi làm dần lên, chắt chiu được đồng nào cũng dồn vào đầu tư cho mô hình kinh tế. Nhà nước cũng hỗ trợ cho cây con giống, thấy trồng bưởi cũng dễ, giá trị kinh tế cao, đào ao lấy nước tưới cây rồi bán cá thu nhập hàng ngày. Khó khăn thì vẫn còn đó nhưng so với nhiều người khác thì mình vẫn đỡ hơn”, bà Thoa nói.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 12.000 hộ nghèo, chiếm gần 3,9% so với tổng số hộ dân trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo khó ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn ở mức cao.

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 17%. Các xã chủ động rà soát, nắm bắt nguyện vọng của từng hộ nghèo, xem xét giao đất rừng cho những hộ thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế. Theo ông Văn Ngọc Hường, huyện sẽ xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi giá trị kinh tế cao và chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, giúp hộ nghèo từng bước vươn lên.

“Tập trung hỗ trợ sinh kế cho đồng bào gồm phát triển sản xuất, chăn nuôi, tuyên truyền vận động nhân dân đăng ký các mô hình sinh kế của mình để được tiếp cận vốn nhà nước. Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, đầu tư đúng mục đích, quy trình, bảo đảm chất lượng hiệu quả để đồng vốn không bị thất thoát”, ông Hường cho hay.

Tỉnh Khánh Hòa lồng ghép việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Tỉnh này phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Để thực hiện đạt mục tiêu đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư có điều kiện, kết hợp với vay ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ cho các xã, thôn đăng ký thoát khỏi thôn, xã đặc biệt khó khăn.

Ông Tạ Hồng Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế rồi mới giúp bà con tiếp cận đồng vốn chính sách.

“Tuyên truyền làm sao cho bà con có ý chí tự lực, tự cường vươn lên. Dù có dự án này dự án kia vào nhưng nhận thức của bà con còn thấp thì rõ ràng các dự án đưa vào cũng không mang lại hiệu quả lâu dài. Xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có các chính sách tốt hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn gắn với tạo công ăn việc làm cho bà con. Phải có những đầu tư mang tính chiến lược lâu dài”, ông Quang nhấn mạnh./.