Theo thông báo của Công ty nước sạch Sông Đà, từ 21h đêm 16/10, công ty đã cấp nước trở lại cho hàng vạn hộ dân các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông…

Sau khi cấp nước trở lại, áp lực nước sẽ tăng dần. Do vậy, trong ngày hôm nay, toàn bộ khách hàng sẽ có nước sạch sử dụng. Tuy nhiên đến sáng nay, theo ghi nhận của phóng viên VOV, hàng nghìn hộ dân ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… vẫn chưa có nước để dùng. Điều này tiếp tục gây lo lắng cho người dân bởi chưa biết đến khi nào tình trạng mất nước mới chấm dứt.

lay_nuoc1_extd.jpg
Người dân lỉnh kỉnh xô chậu đi lấy nước.

Mệt mỏi và bức xúc là tâm trạng chung của người dân của các quận bị mất nước do sự cố nhiễm dầu của nhà máy nước Sông Đà. Đặc biệt, lo lắng của người dân càng tăng khi nghe thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có văn bản gửi khách hàng về việc tiếp tục tạm ngừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải và chưa biết đến bào giờ mới cấp nước chở lại.

Ông Trần Văn Hùng, người dân ở phố Vũ Hữu, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân bức xúc vì sự thờ ơ của các cơ quan chức năng khi sự cố xảy ra đã không có khuyến cáo nào cho người dân.

Ông Hùng cho biết, gia đình ông chỉ biết thông tin nước bị nhiễm dầu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời khi người dân chưa chủ động tích nước để sử dụng công ty cấp nước bất ngờ thông báo là lịch cắt nước với lý do rửa bể chứa, súc xả toàn bộ tuyến ống truyền tải nước sạch. Điều này khiến người dân không kịp trở tay.

“Bây giờ phải có lịch cắt nước, cắt như thế nào và đã đảm bảo lượng nước cho người dân sử dụng chưa chứ không như ông giám đốc công ty cấp nước nói “có ảnh hưởng gì đâu”. Điều đó là vô lý. Dầu thải là hóa chất mà bảo không việc gì. Bây giờ phải làm rõ cắt đến bao giờ và nếu như không có nước thì ai chịu trách nhiệm thì phải rõ ràng”, ông Văn Hùng nói.

Cùng quan điểm với ông Hùng, bà Nguyễn Thị Phương ở phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm cho rằng, trước khi cắt nước của các hộ dân thì nhà máy cấp nước phải có thông báo để người dân có phương án tích nước cũng như sử dụng nước hợp lý. Mặc dù nhà bà có bể ngầm để trữ nước nhưng sau mấy ngày sử dụng lượng nước trong bể cũng hết mà chưa biết lấy nước ở đâu để phục vụ sinh hoạt.

Theo bà Phương, việc cắt nước đột ngột của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà là không thể chấp nhận được: “Phải thông báo cho dân biết mình xử lý bao nhiêu ngày và cắt nước như thế nào, chứ cứ bảo cắt là cắt mà không nói xử lý đến bao giờ và mực độ nước sạch đến đâu. Cứ nói là xử lý nhưng dân lấy nước đâu mà dùng, không biết khi nào có lại”.

Tại khu chung cư HH Linh Đàm, trong sáng nay nhiều xe nước miễn phí tiếp tục được chở tới để phục vụ người dân bởi vẫn chưa có nước. Bà Lê Thị Thu ở chung HH 1B Linh Đàm cho biết, mấy hôm đầu do không biết nước bị ô nhiễm nên gia đình vẫn dùng, đến khi thấy đứa cháu của bà bị ngứa, mần đỏ và nghe qua các phương tiện thông tin đại chúng biết nước khu vực này bị ô nhiễm mới dừng không sử dụng.

Từ hôm bị mất nước, cuộc sống sinh hoạt của gia đình bà bị đảo lộn, mạnh ai nấy lo. Từ hôm có xe téc cấp nước sạch của thành phố đến cung cấp cho người dân thì hôm nào bà cũng phải dậy sớm để đi lấy nước. Tuy nhiên, số nước này lấy về cũng chỉ giặt rửa, dội nhà vệ sinh chứ không ăn.

“Mấy hôm nay mua nước về ăn còn xuống dưới này lấy nước về rửa. Tại vì chúng tôi cũng không biết nguồn nước này lấy ở đâu, cứ bảo nước sạch nhưng chung tôi cũng chỉ lấy vể rửa thôi. Nước ăn chúng tôi mua bình về, hết lại mua. Dân cư ở đây rất đông và mong làm sao đảm bảo đời sống và mong muốn có nước sạch để dùng. Cứ như thế này thì bệnh tật nhiều lắm, giờ kêu ai được”, bà Lê Thị Thu nói.  

Anh Phạm Văn Đức, Đại diện cư dân HH Linh Đàm cho biết, những ngày qua, các tòa nhà bị cắt nước nên  nên Ban đại diện các tòa nhà đã chủ động liên hệ với các công ty để lấy nước sạch miễn phí cho nhân dân bằng nguồn xã hội hóa. Đồng thời phối hợp với Ban quản trị các tòa nhà tiến hành thau, rửa các bể chứa nước.

“Ban đại diện mong muốn thành phố đã hỗ trợ nước phải hỗ trợ cả xe bởi hiện nay xe để lấy nước là khan hiếm. Thời điểm cấp nước nên bố trí nhiều xe. Xe phải được thau, rửa sạch sẽ để khi nước về đến người dân là nước sạch. Quy trình cấp nước phải chuẩn, chánh việc nước sạch nhưng xe bẩn thì vẫn là nước bẩn”, anh Đức bày tỏ./.