Vin đặt 1 chân vào lĩnh vực hàng không

Liên quan thông tin Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa cho phép thay đổi giấy phép kinh doanh của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia (mới thành lập ngày 22/4/2019 với vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng) đổi tên thành Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air, đồng thời cũng đổi luôn ngành nghề kinh doanh chính từ bất động sản sang vận tải hành khách hàng không khiến nhiều người nghĩ đến việc một hãng hàng không mới sắp ra đời.

vin4_tkjk.jpg
 Với việc Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xin ra nhập đội bay, Việt Nam sẽ có 6 hãng hàng không.

Như vậy, nếu có sự tham gia của hãng hàng không Vinpearl Air, ngành hàng không Việt Nam sẽ có 6 Hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vasco và Vinpearl Air.

Một chuyên gia hàng không cho hay theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp có quyền xin thành lập Hãng hàng không. Còn việc được cấp phép hay không thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Về thông tin Tập đoàn Vingroupđăng ký thành lậpCông ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng, theo quy định của Luật Đầu tư 2014, một doanh nghiệp có nguyện vọng thành lập Hãng hàng không thì sẽ phải trình hồ sơ lên chính quyền địa phương (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nơi doanh nghiệp đó đặt trụ sở.

Sau khi được chấp thuận thì kế hoạch thành lập mới sẽ trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia vừa được đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air.

“Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, các thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không theo Luật Đầu tư năm 2014 và cấp phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Thắng cho biết.

Theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỷ đồng.

“Mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng với số máy bay khai khác. Hãng có đường bay quốc tế, khai thác từ 11-30 máy bay cần có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và cần có vốn từ 1.300 tỷ đồng để khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói.

Việt Nam có thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu

Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030.

Cuộc đua của các hàng hàng không bắt đầu khốc liệt hơn?

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỷ trở lại đây, với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, hiện cuộc đua giành thị phần hàng không tại thị trường Việt Nam đang rất “nóng,” đặc biệt khi Hãng hàng không Bamboo Airways được Bộ GTVT cho khai thác thương mại từ đầu năm 2019.

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho biết năm 2018, tổng sản lượng vận chuyển của Vietnam Airlines và các hãng thành viên đạt trên 28 triệu lượt khách, chiếm 56% thị phần. Sản lượng vận chuyển của Vietjet Air đạt trên 21 triệu lượt khách, chiếm 44% thị phần.

Một gương mặt mới của hàng không trong nước là Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành hàng không tăng trưởng 14-15%, gấp đôi GDP. Sự hiện diện của các hãng hàng không tư nhân là yếu tố tạo nên sự năng động hơn của thị trường hàng không Việt Nam.

“Từ khi các hãng hàng không tư nhân khai thác, hàng không Việt Nam sang trang, không còn thế độc quyền trong kinh doanh hàng không, từ phương tiện chỉ dành cho giới thu nhập cao, nay trở thành công cụ đi lại rộng cửa hơn với mọi người dân. Người dân đang được hưởng lợi từ việc có nhiều hãng hàng không trong nước”, ông Lộc nói.

Giải quyết "điểm nghẽn" nhân lực hàng không

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, TS Trần Quang Châu phân tích, tăng trưởng nhanh của hàng không thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề cần cấp bách giải quyết. Đó là những bất cập về cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, điều hành...

Để có thể "cất cánh", Vinpearl Air còn nhiều việc phải làm. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ là bước khởi đầu trong chặng đường rất dài phía trước.

Theo đó, nhân lực là "điểm nghẽn"...của các hãng hàng không nội địa. Nguyên nhân chính là việc đào tạo không theo kịp phát triển nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như: giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay...

Các chuyên gia hàng không nhận định, thiếu hụt nhân lực đang tác động tới không chỉ năng lực và chất lượng phục vụ mà quan trọng hơn ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của hãng hàng không.

Việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam mặc dù đã được cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng được dự báo có thể gia tăng nếu không có các giải pháp kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước./.

Làm gì để Vinpearl Air rút ngắn thời gian xin cấp phép bay?

Bộ GTVT sẽ là cơ quan ra quyết định cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đáp ứng các điều kiện về vốn; phương án đảm bảo có tàu bay khai thác tổ chức bộ máy; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Nghị định 92 về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực vận tải hàng không dân dụng; đồng thời phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không quy định tại Nghị định 30 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

“Để rút ngắn thời gian, Vinpearl Air hoàn toàn có thể tìm hiểu quy định và chuẩn bị sẵn hồ sơ. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, hồ sơ sẽ được nộp ngay tới Cục Hàng không Việt Nam”, một chuyên gia vận tải hàng không cho hay.

Ngay cả khi có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vinpearl Air vẫn sẽ cần có thêm chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) và triển khai các công tác cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.