Giữa năm 2015, trong lúc cần vốn để đầu tư vụ cà phê mới, vợ chồng chị Ponh (làng Nglâm, xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) được bà Nguyễn Thị Đây (trú thôn 10, người cùng xã) giới thiệu gặp bà Hồ Thị Thu Thanh (SN 1983, trú tại đường Trần Qúy Cáp, phường Tây Sơn, TP Pleiku).

Bà Thanh tự giới thiệu mình là nhân viên một ngân hàng Thương mại cổ phần, có thể giúp làm hồ sơ vay vốn.

Theo chỉ dẫn, vợ chồng Ponh cầm sổ đỏ 2 mảnh đất, có tổng diện tích 1,5ha đến một phòng công chứng tại TP Pleiku để làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Thanh và chồng là Trần Xuân Kiên (SN 1977).

Sau đó, bà Thanh đưa 250 triệu đồng cho vợ chồng Ponh, yêu cầu trả lãi 0,8%/tháng và viết giấy cam kết, sau 2 năm, khi Ponh trả lại số tiền này, bà Thanh sẽ trả lại sổ đỏ.

vov_dat_1_epvj.jpg
Chị Ponh (bên phải) bị bà Thanh lừa chiếm quyền sử dụng 1,5 ha đất nông nghiệp.

“Bà Thanh nói phải chuyển nhượng đất để bà ta đứng tên giúp thì mới vay được vốn. Đây là sang nhượng, không phải bán. Khi nào có tiền, trả lại cho bà Thanh, sẽ được trả sổ đỏ. 1 năm thu lãi 2 lần, không nộp cho bà Thanh mà đưa cho bà Đây thu giúp”, chị Ponh cho biết.

Ngoài gia đình chị Ponh, còn có 10 hộ dân khác ở xã Ia Pết, huyện Đăk Đoa và xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê bị bà Thanh dùng thủ đoạn lừa tương tự. 

Trong đó có 8 hộ đã chuyển nhượng 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn chục ha. 

Có trường hợp nhờ bà Thanh giúp làm thủ tục chuyển nhượng đất cho con trai, nhưng đã bị bà này lừa chuyển cho mình. Nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong số đó được chuyển cho chồng và mẹ đẻ bà Thanh là Trần Xuân Kiên và bà Võ Thị Hồng Vân.

Chuyển nhượng đất xong xuôi, Hồ Thị Thu Thanh không gặp trực tiếp để thu tiền lãi, mà thu qua trung gian là bà Nguyễn Thị Đây. Cùng với đó, bà Thanh cung cấp địa chỉ giả cho các nạn nhân.

Anh Phăn (ở làng O Đeh, xã Ia Pết), một nạn nhân bị bà Thanh lừa chuyển nhượng hơn 8 sào đất nông nghiệp, cho biết: “Lúc công chứng, tôi hỏi đây có phải là bán đất không? Bà Thanh nói rằng viết trên là bán, nhưng hợp đồng không phải là bán. Bà Thanh cho cả số điện thoại, địa chỉ nhà. Đủ 2 năm, tôi muốn gặp bà Thanh để trả tiền nhưng không có ở đó, gọi thì bà ấy chỉ cười”.

Hiện nay, người dân địa phương còn giữ nhiều tài liệu liên quan tới việc bà Thanh lừa chiếm dụng quyền sử dụng đất.

Đến nay, hầu hết các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 10 hộ dân bị bà Thanh lừa chiếm quyền sử dụng đã bị thế chấp vay vốn rải rác tại ít nhất 4 ngân hàng Thương mại cổ phần tại TP Pleiku. 

Đến cuối 2017, do bà Thanh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nên 4 mảnh đất trong số đó đã bị một ngân hàng khởi kiện dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự TP Pleiku thực hiện kê biên để đấu giá, thu hồi nợ cho ngân hàng.

Rất may, thời điểm này, nhiều người dân địa phương phát hiện mình bị lừa đã làm đơn trình báo tới cơ quan Công an huyện Đăk Đoa, nên việc kê biên, đấu giá tài sản của ngân hàng bị tạm dừng. 

Còn Hồ Thị Thu Thanh đã rời khỏi nơi cư trú nhiều tháng nay. Đồng thời, ngay sau khi nắm được tình hình, UBND huyện Đăk Đoa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Lương Nam Xuất Thế, Trưởng phòng Dân tộc, UBND huyện Đăk Đoa cho biết: “Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, muốn phát triển sản xuất, nhu cầu vốn của bà con rất cao. Để tiếp cận được nguồn vốn, thủ tục rất rườm rà. Trong khi đó, việc vay vốn ở các tổ chức tín dụng, cá nhân thuận lợi, dễ dàng hơn. Do đó, có tình trạng người dân mắc lừa. Hiện nay, UBND huyện đã có những văn bản chỉ đạo các ban ngành, chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo để bà con cảnh giác”.

Cùng với chính quyền địa phương, hiện cơ quan điều tra, Công an tỉnh Gia Lai đang điều tra, làm rõ vụ việc./.