“Không vì dư luận phản ứng trong việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố vừa qua mà dừng việc chặt hạ, dịch chuyển, thay thế những cây có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão”. Đó là lưu ý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2015 diễn ra hôm qua 9/4.

cay_xanh_fzqv.jpg

Tại buổi họp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục lập hồ sơ và thay thế, chỉnh trang cây nguy hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến kế hoạch thay thế 6.700 cây xanh trên các tuyến phố, Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng các đơn vị đã nóng vội, giản đơn trong cách làm, đã thay thế đồng loạt mà không thay từng cây, gây phản cảm. Mặc dù không được nóng vội trong thay thế cây không đúng chủng loại, cây cong, cây xấu, nhưng với cây có nguy cơ gãy đổ, gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người dân thì phải chặt hạ thay thế ngay, đây là điều cần ưu tiên số một. Đồng thời sai sót đâu khắc phục đó, ai sai phạm thì xử lý theo trách nhiệm, theo đúng quy định pháp luật, nhưng không dừng việc chặt hạ cây có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Ông Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp tục lập hồ sơ, xử lý, thay thế những cây nguy hiểm: “Không phải vì chuyện cây xanh vừa qua, những tuyến đường xảy ra những vấn đề vừa qua như vậy mà chúng ta dừng việc. Đây là Nghị định 64 và Luật Phòng chống thiên tai phải làm. Cho nên các đồng chí vẫn phải khảo sát, đánh giá nguy cơ cây nào đổ, cành nào dễ gãy trong mùa mưa bão, mà kể cả ngày bình thường ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đến an toàn tính mạng tài sản của nhân dân thì vẫn phải tiếp tục lập hồ sơ và xử lý, thay thế cây đó, rồi chỉnh trang cây đó theo đúng quy định của Nghị định 64.”

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu việc chặt hạ thay thế cây xanh có nguy cơ gãy đổ phải có hồ sơ từng cây minh bạch rõ ràng theo Nghị định 64, thay thế cây gì, gỗ chuyển về đâu, bán cho ai, bán như thế nào. Nếu không rà soát để xảy ra gãy đổ, gây thiệt hại người, tính mạng tài sản của nhân dân thì trách nhiệm sẽ thuộc về Sở Xây dựng, về thành phố.

Trước đó, sau khi gặp sự phản ứng của dư luận về đề án thay thế cây xanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có thông báo yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh. Đồng thời yêu cầu Sở Xây dựng chỉ hạ chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân. Với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan và cây không đúng chủng loại đô thị thì chỉnh trang thay thế từng bước, chỉ thay những cây không thể chỉnh trang và duy trì được./.