Tại Hà Nội, trong những ngày cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, gây áp lực giao thông xuất hiện ùn tắc cục bộ tại các nút giao thông trọng điểm. Các lực lượng chức năng của thành phố đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như phân luồng, phân làn giao thông, tổ chức các lực lượng ứng trực để khắc phục tình trạng này. Hơn 3.600 lượt xe cũng được tăng cường nhằm phục vụ đi lại của người dân trong dịp Tết.

Phân làn, ứng trực tại 59 nút giao thông trọng điểm

Những trục đường chính như: trục đường Xuân Thủy – Cầu Giấy, Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng... đều có những công trình đang thi công. Toàn thành phố có 57 điểm đang rào chắn để thi công trên các tuyến đường.

ben_xe_mi_dinh_jywl.jpgNgười dân chờ mua vé tại Bến xe Mỹ Đình

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các đơn vị thi công có biện pháp phân làn, thu gọn diện tích công trường trong giờ cao điểm, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trên công trường thi công dự án đường sắt trên cao, mặt đường đang được mở rộng sẽ khắc phục việc ùn tắc trên tuyến đường này.

Công an thành phố Hà Nội cũng xác định 59 điểm, nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố (như  ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi, Đại lộ Thăng Long – đường Phạm Hùng, đường Phạm Văn Đồng...). Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung ứng trực, phân làn tránh xảy ra ùn tắc.

Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Tình hình giao thông của thành phố bắt đầu trở nên phức tạp và áp lực vào những ngày này. Trong dịp Tết Ất Mùi, cả thành phố sẽ có 31 điểm bắn pháo hoa, 48 chợ hoa, chợ Tết phục vụ người dân, 27 điểm tâm linh (đền, chùa), 30 lễ hội xuân và 57 điểm rào chắn đang thi công. Chúng tôi xác định trên 57 điểm đang thi công này luôn có lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực. Có 8 tuyến đường hướng vào nội đô sẽ không để xảy ra ùn tắc quá 30 phút”.

Trong dịp Tết Nguyên đán, Hà Nội đã chuẩn bị các phương án giải quyết vấn đề ách tắc giao thông. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Thành phố đã có những biện pháp để tổ chức giao thông, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô. Quyết tâm của thành phố là nếu bất cứ điểm nút giao thông nào ùn tắc quá 30 phút, chưa đi qua được nút giao thông thì người dân có quyền phản ánh, khiếu nại. Đây là cam kết của thành phố với nhân dân thủ đô. Nếu để xảy ra ùn tắc quá 30 phút thì Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm”.

Tăng cường xe Tết, phục vụ theo yêu cầu của các đơn vị

Đợt nghỉ Tết Ất Mùi kéo dài 9 ngày, lượng hành khách tăng khoảng 30% đến 50% so với ngày thường và tập trung vào các tuyến đường ngắn. Đối với một số tuyến như: Thanh Hóa, Thái Bình, Vinh, Quảng Ninh… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Hà Nội đã chuẩn bị tăng cường thêm hơn 3.600 lượt phương tiện để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên...

 Đoàn công tác của Ủy ban ATGT Quốc gia kiểm tra tại Bến xe Mỹ Đình

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Tây cho biết: “Trong đợt Tết Nguyên đán, Xí nghiệp sẽ kết hợp với Sở giao thông, các doanh nghiệp vận tải yêu cầu tăng cường thêm xe phục vụ cho các tuyến đông khách như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định… Lượng xe tăng cường các doanh nghiệp đã đăng ký là hơn 118 xe trong những ngày cao điểm để phục vụ người dân đi lại an toàn và không có hành khách nào ở lại bến qua đêm. Xí nghiệp đã niêm yết số điện thoại đường dây nóng ở bảng thông tin để người dân phản ánh nếu có nhà xe, xí nghiệp nào chặt chém khách thì sẽ xử lý theo đúng nội quy”.

Bên cạnh một lượng lớn xe tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, Hà Nội tổ chức dịch vụ vận tải theo yêu cầu. Các trường học, khu công nghiệp có nhu cầu đưa sinh viên, công nhân về quê ăn Tết có thể đăng ký, trên cơ sở đó sẽ có những chuyến xe thẳng từ các khu công nghiệp các trường đại học về các tỉnh, điều này sẽ giảm áp lực cho các bến xe. Các chuyến xe buýt liên thông giữa các bến xe cũng được triển khai, giúp giải tỏa quá tải cục bộ tại các bến xe. 

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hà Nội đã hạn chế một số loại xe trong giờ cao điểm, việc này cần được nghiên cứu triển khải tiếp để hạn chế ùn tắc giao thông. Tại những tuyến đường trọng điểm, cửa ngõ của thành phố không để lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, đặc biệt xử lý nghiêm, tước phù hiệu của những xe khách dừng đón trả khách trên đường.     

Ông Khuất Việt Hùng nói: “Những nhà xe nào đã kê khai giảm giá mà vẫn giữ niêm yết giá cũ thì sẽ bị đình chỉ, tước phù hiệu, công bố công khai. Sẽ xử lý quyết liệt việc đón, trả khách dọc đường, không để xảy ra tình trạng bảo kê, cò mồi, những chỗ nào không cho dừng; đặc biệt dọc đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng sẽ kiên quyết không tổ chức đón, trả khách. Bên cạnh đó, Sở Giao thông cần đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng”.

Với các giải pháp tổ chức giao thông, phân làn giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thành phố Hà Nội có cam kết mạnh mẽ “ùn tắc giao thông tại một điểm không quá 30 phút trong dịp Tết Ất Mùi”. Người dân thủ đô mong chờ hiệu quả từ những giải pháp xử lý ùn tắc giao thông đã được các cơ quan chức năng đưa ra, để đi lại trong dịp Tết không còn là nỗi lo./.