Hội thảo "Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước" do Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phối hợp với Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng về Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981 - 07/11/2021).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam điểm lại quá trình hình thành và phát triển trải dài suốt 40 năm của GHPGVN, ý nghĩa và vai trò to lớn của sự ra đời tổ chức thống nhất Phật giáo Việt Nam. Theo Hoà thượng, mọi hoạt động phật sự của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn hướng đến lý tưởng giác ngộ, giải thoát, đều mang tính tự giác.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, hội thảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là cơ hội nhìn lại chặng đường 40 năm hình thành, ổn định, không ngừng phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những đóng góp thiết thực, toàn diện của Phật giáo Việt Nam trong thời đại đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa xã hội và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước Việt Nam. Thông qua hoạt động phật sự này, Hòa thượng cũng bày tỏ mong muốn chư tôn đức, các học giả cùng thảo luận, góp ý nhằm đưa ra tầm nhìn và hướng đi cho sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.
Trong bài phát biểu gửi đến hội thảo, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nêu bật tầm quan trọng về sự ra đời của GHPGVN. Theo ông Vũ Chiến Thắng, chưa ở đâu các hệ phái, tổ chức Phật giáo với những truyền thống tu hành đặc trưng lại có thể tập hợp và gắn bó trong ngôi nhà chung mang tên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
Đó không chỉ là kết quả của việc thực hành “hạnh lục hòa” mà còn là tâm nguyện, mong ước chung của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước và nước ngoài. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chỉ thống nhất trong ý chí và hành động, trong lãnh đạo và tổ chức, thống nhất trong định hướng tu học, thực hành giáo lý, thực hiện các hoạt động xã hội mà còn thống nhất trong đường hướng hành đạo “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội".
“Trong mỗi giai đoạn lịch sử, dù có những thăng trầm nhưng Phật giáo luôn gắn với vận mệnh dân tộc, thể hiện là một tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với sự tôn vinh là một tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân”. Trong suốt lịch sử dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước ”, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh: "Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mọi phương diện cuộc sống bị tác động mạnh mẽ bởi cuộc cách mạnh cộng nghiệp lần thứ 4 thì sự dấn thân của Phật giáo trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam là yếu tố then chốt, góp phần giữ gìn các hệ giá trị truyền thống suốt 4.000 năm lịch sử dựng nước và phát triển đất nước.
Để tiếp tục trở thành tôn giáo đi đầu trong các ảnh hưởng tích cực đối với các phương diện cuộc sống của Việt Nam, từ vật chất đến tinh thần, từ truyền thống đến hiện đại, GHPGVN cần tiếp tục tiếp biến trong vận mệnh thịnh suy của dân tộc, một mặt bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mặt khác, đề cao tinh thần nhập thế năng động hơn nữa, trong sứ mệnh hộ quốc, an dân, nhằm phục vụ đất nước và con người Việt Nam".
Các nội dung chính của hội thảo gồm "Các phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX", "Giáo hội Phật giáo Việt Nam và vai trò hộ quốc an dân", "Giáo hội Phật giáo Việt Nam và an sinh xã hội", "Giáo dục Phật giáo Việt Nam", "Giáo dục đạo đức Phật giáo", "Văn hóa Phật giáo Việt Nam".
Với hơn 250 bài tham luận, từ góc độ nghiên cứu liên ngành, Hội thảo đánh giá khách quan bối cảnh ra đời, vai trò lịch sử, những thuận lợi và khó khăn và những đóng góp tích cực của GHPGVN trong 40 năm hình thành và phát triển. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về bối cảnh ra đời, tiến trình phát triển, giá trị đóng góp của GHPGVN về hộ quốc, an dân, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ngoại giao nhân dân.
Bên cạnh đó, Hội thảo còn hướng đến làm rõ vai trò của GHPGVN trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống đạo đức và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, GHPGVN với mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới hùng cường của đất nước và các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế./.