Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, với dự kiến 12 điểm sửa đổi, bổ sung so với năm 2015. Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cho rằng, đã có những điều chỉnh tích cực, hướng đến việc xét tuyển thuận lợi, công bằng cả cho thí sinh và các trường.
Với 12 điểm dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm từ nộp đơn đăng ký xét tuyển của thí sinh, hình thức xét tuyển, quyền của các nhà trường, của thí sinh khi xét tuyển, chính sách ưu tiên... đến khâu xử lý thông tin phản ánh vi phạm Quy chế tuyển sinh và báo cáo kết quả tuyển sinh.
Thí sinh cần cân nhắc khi chọn trường khi xét tuyển đại học (ảnh minh họa) |
Các trường đại học, cao đẳng nhận định, những điểm dự kiến sửa đổi đã khắc phục được những bất cập trong mùa tuyển sinh năm 2015. Đặc biệt là các điểm sửa đổi như: cho phép thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến, hoặc qua bưu điện; thí sinh được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong đợt 1, mỗi trường 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng; thời gian xét tuyển đợt 1 rút ngắn còn 12 ngày... tránh tình trạng thí sinh phải xếp hàng chờ đợi để nộp và rút hồ sơ vừa mệt mỏi vừa căng thẳng như năm 2015.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, quy định thí sinh được nộp hồ sơ vào 2 trường trong đợt 1, mỗi trường được đăng ký vào 2 ngành và không được thay đổi nguyện vọng vào trường, sẽ tạo thuận lợi cho trường khi xét tuyển, nhưng cũng gây áp lực về chọn trường, chọn ngành cho thí sinh.
“Thuận lợi là thí sinh sẽ không có quá nhiều nguyện vọng, có nghĩa là việc lựa chọn sẽ chắc chắn hơn và nhà trường sẽ căn cứ vào đó để chốt được thí sinh trúng tuyển cũng sẽ sớm hơn và chắc chắn hơn. Tuy nhiên, về phía thí sinh thì rõ ràng cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc quyết định chọn 2 mã ngành. Tại vì nếu thí sinh không trúng vào 2 mã ngành đó, có nghĩa là thí sinh không có cơ hội để đăng ký các mã ngành khác của trường. Đây là điểm mà thí sinh cần lưu ý và tôi cũng nghĩ rằng đây là sự hợp lý thôi tại vì chúng ta không thể nào cho thí sinh quá nhiều lựa chọn để gây ra những sự khó khăn cho công tác xét tuyển”- ông Hữu Tú khuyến nghị.
Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phân tích, các quy định điểm xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT từng môn không nhỏ hơn 6 điểm đối với bậc Đại học; dành 50% chỉ tiêu ngành để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi truyền thống; bỏ quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển đợt trước; điểm trúng tuyển được làm tròn đến 0,25... sẽ khiến các trường không thể “lách luật” để tuyển đủ thí sinh theo chỉ tiêu.
Ông Hoàng Xuân Hiệp cho biết: “Tôi thấy là những sửa đổi năm nay so với quy chế của năm 2015 có nhiều yếu tố tích cực hơn. Về công tác xét tuyển, năm ngoái có điểm sàn cao đẳng, nhưng năm nay bỏ. Có nghĩa bậc cao đẳng năm nay là chỉ cần tốt nghiệp THPT là ngưỡng đảm bảo bảo chất lượng, cũng là một trong những điểm mới giúp cho khối trường cao đẳng có thể tuyển sinh tốt hơn”.
Một số quy định về chính sách ưu tiên theo khu vực, ưu tiên đối tượng khi tuyển sinh được điều chỉnh chi tiết, rõ ràng hơn, trong đó nêu rõ, thí sinh dân tộc thiểu số phải sống tối thiểu 18 tháng trong thời gian học phổ thông ở xã khu vực 1 mới được hưởng đối tượng khu vực 1 sẽ tránh được tình trạng hiểu nhầm và khai hồ sơ không đúng như năm 2015. Tuy nhiên, một số trường cũng cho rằng, điểm sửa đổi, bổ sung về việc cho các trường tổ chức tuyển sinh theo nhóm hiện chưa rõ ràng nên khó xây dựng đề án.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Việc tổ chức các nhóm tuyển sinh bao gồm các trường để giảm tình trạng trúng tuyển ảo, vừa tốt cho các trường, vừa tốt cho thí sinh.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo này nói tương đối vắn tắt về việc tổ chức các nhóm tuyển sinh và có lẽ, để tổ chức thực hiện được bản sửa đổi quy chế tuyển sinh 2015 thì theo tôi, Bộ GD-ĐT phải ban hành khá nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách chi tiết thì mới thực hiện được”.
Một trong những vấn đề được nhiều người mong đợi đó là việc cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực khi xét tuyển sẽ được điều chỉnh. Tuy vậy, Bộ Giáo dục- Đào tạo vẫn giữ nguyên mức điểm chênh lệch là 1 điểm với thí sinh thuộc các đối tượng liền kề và 0,5 điểm giữa các khu vực liền kề.
Việc này khiến nhiều người lo ngại vẫn xảy ra tình trạng cùng đăng ký vào 1 ngành, nhưng thí sinh có điểm thi cao thì trượt, còn thí sinh điểm thấp hơn lại trúng tuyển do được cộng điểm, gây ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh của các trường./.