17h chiều qua (20/8), các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh nộp trực tiếp tại trường, khép lại đợt xét tuyển đầu tiên trong mùa tuyển sinh năm nay.

Qua 20 ngày nhận hồ sơ đăng ký, những bất cập nảy sinh trong quá trình xét tuyển đã cho thấy, kỳ vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về một mùa tuyển sinh giảm bớt áp lực và giảm tốn kém cho thí sinh và phụ huynh đã không đạt được. Nguyên nhân gây ra sự rối loạn trong việc nộp và rút hồ sơ của thí sinh chủ yếu do sự chỉ đạo chưa thông suốt của cơ quan quản lý.

Như chơi chứng khoán

Căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi - đó là tình cảnh chung của hầu hết thí sinh cùng phụ huynh khi phải tất tả ngược xuôi đi nộp và rút hồ sơ trong 20 ngày qua. Những ngày đầu đi nộp hồ sơ, thí sinh vui mừng, phấn khởi bao nhiêu vì đã biết điểm thi của mình rồi mới nộp đơn đăng ký xét tuyển đại học, thì những ngày cuối lại lo lắng, căng thẳng bấy nhiêu.

xet_tuyen_dai_hoc_eurh.jpg
Thí sinh mệt mỏi, căng thẳng với kỳ tuyển sinh theo phương thức mới

Lý do là các em phải liên tục theo dõi thông tin xét tuyển của trường để quyết định có rút hồ sơ nộp sang trường khác hay không, rút hồ sơ rồi thì nộp sang trường nào, ngành nào, điểm xét tuyển dự kiến của trường định nộp là bao nhiêu, có cơ hội trúng tuyển không...

Nhiều thí sinh điểm cao chờ đến cuối đợi xét tuyển mới nộp hồ sơ, khiến ngưỡng điểm chuẩn dự kiến của các trường đại học, chủ yếu là các trường top đầu liên tục tăng, gây khó khăn cho những thí sinh có điểm nằm ở top giữa. Nhiều thí sinh phải cuống cuồng rút hồ sơ vào những ngày cuối dù có điểm xét tuyển được đánh giá là ở mức độ an toàn. Việc đăng ký xét tuyển năm nay bỗng nhiên trở thành cuộc chạy đua đầy tính may rủi của cả thí sinh lẫn phụ huynh.

Anh Phạm Văn Hải ở huyện Thạch Thất, Hà Nội thì ví von: “Xét tuyển thế này cứ như chứng khoán, phức tạp quá. Các cháu đến tận giờ phút cuối cũng chẳng biết đỗ hay trượt nguyện vọng nào. Cứ anh cao điểm đuổi anh thấp điểm. Anh thấp điểm cứ chạy ra rồi chạy vào. Ai cũng chờ phút cuối mới nộp để đỡ bị rút ra, nộp vào mất việc thì làm gì có bảng điểm mà xem. Quá mệt mỏi. Ai cũng bị áp lực. Cao điểm nhất cũng lo chứ nói gì đến điểm vừa rồi điểm thấp”.

Thí sinh phải đến tận trường đại học để nộp, hoặc rút hồ sơ, thậm chí là phải đi lại nhiều lần nên rất mệt mỏi, căng thẳng và tốn kém. Nhiều thí sinh và người thân ở các tỉnh phải thuê nhà trọ ở thành phố để vừa nghe ngóng, vừa kịp thời tới rút hồ sơ để nộp trường khác, mong có cơ hội trúng tuyển.

Tình trạng nộp hồ sơ cho xong, rồi phó mặc cho “số phận”, hoặc nộp hồ sơ theo kiểu “chỉ cần trúng tuyển đại học” mà không tính đến sở trường, đam mê, yêu thích do đã quá mệt mỏi trong cuộc chạy đua xét tuyển cũng đã xảy ra.

Em Dương Thu Hà, ở Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Em đi từ quê lên, đi đường thì tắc, rồi lại cònphải đi sang trường khác để nộp hồ sơ. Em không nhớ là ngành gì mà cũng là ở điểm cuối rồi nên phải đi rút. Bây giờ chỉ mong đỗ vào trường nào đấy thôi ạ, đỗ được là đã tốt lắm rồi. Làm thế này khó khăn cho em quá. Ở nhà chẳng biết là bao nhiêu người nộp, chẳng biết là mình đứng ở đâu quá là khó, như mọi năm đỡ hơn nhiều. Ở nhà em không có mạng Internet cho nên muốn biết thì phải ra quán Internet”.

Tình trạng nộp và rút hồ sơ ồ ạt với số lượng lớn của thí sinh khiến các trường đại học cũng bị quá tải, thí sinh phải chờ đợi từ sáng đến chiều, thậm chí là ngày hôm sau mới rút được hồ sơ. Nhiều trường hợp đã rút hồ sơ đăng ký xét tuyển và nộp sang trường khác nhưng hồ sơ của thí sinh không thể đăng nhập vào phần mềm của Bộ do dữ liệu vẫn bị khóa, tình trạng nghẽn mạng trong những ngày cao điểm nộp và rút hồ sơ cũng diễn ra, gây khó cho cả nhà trường và thí sinh.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh được cộng quá nhiều điểm ưu tiên khu vực và đối tượng khi xét tuyển đại học gây sự bất bình đẳng giữa các thí sinh và xã hội cũng lo ngại về chất lượng đầu vào của những thí sinh này, nhất là ở những trường đào tạo nhân lực có trình độ cao như y, dược...

Từ những bất cập nảy sinh trong đợt nộp hồ sơ xét tuyển đầu tiên cho thấy, kỳ vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia là sẽ làm giảm tốn kém, bớt lo lắng, căng thẳng, vất vả cho thí sinh, phụ huynh khi xét tuyển đại học, cao đẳng đã không đạt được mà còn khiến cho việc xét tuyển càng thêm rối, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho cả xã hội.

Bộ Giáo dục – Đào đạo sẽ rút kinh nghiệm ra sao?

Theo các chuyên gia, xảy ra những bất cập này là do đây là năm đầu tiên tổ chức xét tuyển theo hình thức mới, cả Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường đại học lẫn thí sinh và phụ huynh đều chưa lường trước được các tình huống có thể xảy ra.

Trước hết là do quy định thời gian thí sinh nộp hồ sơ kéo dài không chỉ gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và người nhà, mà khiến bất kỳ ai quan tâm đến giáo dục cũng đều lo lắng, bức xúc.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, một số quy định, chỉ đạo của Bộ chưa hợp lý và không thông suốt cũng là nguyên nhân gây ra những xáo trộn trong đợt xét tuyển này. Đơn cử như, việc cho thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng của một trường trong mỗi đợt xét tuyển đã gây ra tình trạng “nguyện vọng ảo” khiến thí sinh như lạc vào ma trận; công văn “chữa cháy” của Bộ là cho phép các Sở Giáo dục - Đào tạo và trường THPT tiếp nhận thay đổi đăng ký xét tuyển của thí sinh, nhưng thí sinh vẫn trực tiếp đến trường rút hồ sơ do không yên tâm.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa nói: “Ngày 7/8, Bộ ra văn bản yêu cầu các trường không được công bố điểm chuẩn tạm thời, thì cũng chính Bộ ngày 17/8 yêu cầu các trường phải công bố điểm chuẩn dự kiến, điểm chuẩn tạm thời. Lý do cấm các trường công bố đợt 1 là gây hoang mang cho thí sinh. Nhưng lý do đưa ra khi chỉ đạo phải công bố điểm chuẩn dự kiến ngày 17/8 là để làm yên lòng thí sinh. Chúng tôi cho là với cách chỉ đạo mâu thuẫn, không nhất quán đó cho thấy Bộ cũng không lường được tình hình diễn biến như thế nào để chỉ đạo thống nhất từ ban đầu nên đã tạo sự xáo trộn cục bộ”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý, tổ chức công tác xét tuyển năm nay của Bộ Giáo dục  và Đào tạo rõ ràng là đang có vấn đề cần rút kinh nghiệm. Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nêu ý kiến: “Theo tôi, Bộ giáo dục đã không triệt để ứng dụng tin học. Đáng nhẽ học sinh không cần phải đến trường, không cần phải nộp cái gì cả. Mỗi em có một mã số mà điểm thi quốc gia thì Bộ đã quản rồi, thì chỉ cần với điểm ấy, nguyện vọng đầu tiên thi vào trường nào, chọn trường đó và trường căn cứ vào phổ điểm thi, vào nguyện vọng của mỗi trường, mỗi khoa người ta xét. Theo tôi chỉ cần để 5 ngày thôi cho học sinh nhập, sau 5 ngày thì các trường đó đã có quyền chọn”.

Phó Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh Hà Nội cũng cho rằng, việc Bộ tạo cơ hội tối đa cho thí sinh trúng tuyển khi quy định thí sinh có tới 16 nguyện vọng sẽ làm thay đổi mục tiêu tuyển sinh từ chọn ngành nghề theo sở trường, đam mê sang mục tiêu “chỉ cần đỗ đại học”, như vậy sẽ khó có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ông Văn Như Cương: “Bộ chỉ nên cho thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng trong mỗi đợt để tránh hiện tượng ảo và có thể cho thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng trước khi thi THPT Quốc gia. Nên đăng ký rồi mới thi sau. Khi học sinh định vào trường nào thì biết rất rõ điểm trường ấy cao hay thấp. Hai là họ biết rất rõ năng lực của mình có thể làm như thế nào. Khi đề ra nguyện vọng 1 là họ đã cân nhắc rất nhiều, thành thử khi thi xong rất thoải mái. Nếu trường báo đậu là đến trường, nếu trượt nhưng còn hi vọng thì sang nguyện vọng 2, thậm chí nguyện vọng 3”.

Trước đó, tại buổi trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, do là năm đầu tiên triển khai nên còn nảy sinh một số bất cập cần rút kinh nghiệm và điều chỉnh.

Thí sinh, phụ huynh và cả xã hội đều mong muốn Bộ lắng nghe trên tinh thần cầu thị và có những điều chỉnh, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, chứ không phải “nghe rồi để đấy”, còn thí sinh lại tiếp tục chạy ngược, chạy xuôi để rút và nộp hồ sơ xét tuyển như hiện nay./.