Khu vực đón tiếp thí sinh đến đăng ký xét tuyển của các trường đại học (ĐH) ở Hà Nội những ngày này khá nhộn nhịp. Những khu vực quảng bá hình ảnh của trường, giới thiệu các chuyên ngành đào tạo; những dãy bàn tư vấn cho thí sinh, phụ huynh về việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 thu hút đông đảo thí sinh.
Không vã mồ hôi như những ngày thi cử nắng nóng, song dễ dàng nhận thấy, giữa cảnh “tay xách nách mang”, “bố mẹ cặp con” lên Hà Nội tìm trường, tìm thầy tư vấn… vẫn lộ rõ nét ưu tư, lo lắng của thí sinh và người nhà.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký đại học với nhiều tâm trạng |
Với mơ ước trở thành sinh viên ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội), Đỗ Văn Sơn, một thí sinh ở Mường Nhé, Điện Biên đã cùng mẹ vượt chặng đường rất xa để về Hà Nội nộp hồ sơ. Sơn được 20,25 cộng cả điểm ưu tiên nên em rất hy vọng sẽ trở thành sinh viên của trường này.
Mẹ Sơn, chị Bùi Thị Ngân cho biết, do hai mẹ con về Hà Nội đúng dịp lũ lụt nên vô cùng khổ sở. Trên đó (Mường Nhé), Sơn phải đi xe đạp 7 – 8km “xuống huyện” để vào mạng tra cứu thông tin.
“Vất vả, tốn kém lắm. Hôm sang trường cấp III lấy hồ sơ phải gọi điện trước, cây cầu lại bị đứt. Tôi phải thuê người đi cùng kèm cháu, cháu cởi quần áo lội sang bên kia. Mẹ cầm áo đứng bên này, con sang bên kia lấy hồ sơ. Về Hà Nội rồi, nếu nhận được tin trúng tuyển sớm thì tốt quá, vì mẹ con tôi phải về quê ở Hưng Yên để tá túc nên không muốn ở lâu. Hình thức xét tuyển như thế này gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh, nhất là những người ở xa như chúng tôi” – chị Ngân mệt mỏi nói.
Tại các trường ĐH, CĐ, dễ dàng bắt gặp nhiều phụ huynh dẫn con đi nộp hồ sơ như chị Ngân. Chị Lê Thị Hiền ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa cũng bỏ công việc nhà để đưa cậu con trai Lê Anh Dũng ra Hà Nội vì nếu để mình con đi thì chị rất lo lắng.
Chị kể: “2 mẹ con ra phải ở nhà trọ cùng đứa cháu là sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân. Dũng cũng tìm hiểu nhưng nếu gửi qua bưu điện lại sợ thất lạc. Nhiều cháu nộp rất sớm nhưng lên mạng chưa thấy thông tin, nên hai mẹ con từ Thanh Hóa ra cho chắc ăn”.
Chị Hiền cho rằng, thi tuyển như năm nay cũng quá rắc rối, gia đình nông thôn như chị cũng tốn kém. Ra Hà Nội cũng phập phồng lo lắng đến hết ngày 20 mà chẳng biết con mình đỗ hay rớt.
Chị Nguyễn Thị Thơ ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng đi cùng con đến trường ĐH Ngoại thương để xem tình hình xét tuyển thế nào. Chị cho biết: Hình thứ xét tuyển năm nay khiến gia đình chị rất lo lắng, dù con gái chị điểm khá cao là 25,75 nhưng không chắc có trúng tuyển hay không.
Thí sinh Hoàng Thị Sinh ở huyện Gia Bình, Bắc Ninh có kết quả thi THPT Quốc gia là 18,5 điểm, có nguyện vọng trở thành sinh viên ĐH Thủy lợi nên đã nhờ anh họ là Đặng Văn Hùng, cựu sinh viên của trường đưa đi nộp hồ sơ.
Anh Hùng cho biết, đổi mới trong việc xét tuyển khiến gia đình rất lo lắng. Anh lên mạng liên tục để theo dõi nhưng cũng rất lo lắng cho cô em của mình. Anh e với số điểm như vậy, chắc phải nộp vào ngành nào đó vừa phải, vì nếu không sẽ phải đi rút hồ sơ, do đó nhận trọng trách này với gia đình, anh rất áp lực.
Còn em Nguyễn Phương Anh – một thí sinh nhà ở TP Vinh, Nghệ An đến “nắm bắt tình hình” nộp hồ sơ ở ĐH Thủy lợi cho biết phải đến trường nhiều lần xem thông tin rồi mới nộp hồ sơ.
Phương Anh nói: “Em đi tàu ra Hà Nội và ở nhà dì. Em còn phải theo dõi thế nào mới nộp hồ sơ. Hình thức này làm bọn em loạn cả lên, nhiều khi cứ ngồi nhà cập nhật hàng ngày, dán mắt vào vi tính mà nhiều thông không rõ ràng cho lắm. Thông tin nộp hồ sơ cập nhật muộn, khó biết được mình có trúng hay không”.
Phập phồng nỗi lo là tâm trạng của tất cả thí sinh và phụ huynh trong mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm nay dù điểm cao, điểm vừa phải hay điểm thấp. Và các trường ĐH, CĐ cũng cứ phải tiếp tục công việc của mình theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT về quy trình xét tuyển…
Đến ngày 20/8 này, tất cả mới có thể được giải tỏa với với những thí sinh đăng ký xét tuyển vào nguyện vọng 1, đợt 1. Rồi đợt 2 xét tuyển sẽ đến với vô vàn nguyện vọng tiếp theo và những thí sinh và người nhà lại tiếp tục chuỗi ngày “sống trong sợ hãi”./.