Nếu như ở những kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng trước, tháng 8 là giai đoạn thí sinh thảnh thơi chờ kết quả xét tuyển của các trường; thì trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm nay, sau khi biết điểm, các em phải bắt đầu cuộc đua nguyện vọng 1.
Các trường đại học cũng bận rộn không kém vì vừa phải tư vấn, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ, vừa cập nhật rất nhiều số liệu để báo cáo theo đúng lịch trình mà Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định. Dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước nhưng với quá nhiều điểm mới của kỳ thi “2 chung”, các trường và thí sinh không thể thoát khỏi tâm lý băn khoăn, lo lắng.
Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, giai đoạn xét tuyển nguyện vọng 1 của các trường đại học, cao đẳng trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2015 kéo dài từ ngày 1 đến ngày 20/8 nhưng đến nay, rất đông thí sinh đã tập trung về các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh nộp hồ sơ xét tuyển. Đa phần các thí sinh đều tỏ ra bỡ ngỡ, lo lắng vì phương thức xét tuyển năm nay quá khác so với mọi năm.
Thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển tại Trường Đại học Công nghiệp TP HCM |
Nhiều thí sinh chia sẻ:
- “Năm ngoái chỉ thi xong rồi chờ kết quả. Năm nay phải đi nộp hồ sơ, em thấy cực hơn. Tỷ lệ thí sinh đông, em thấy lo vì dễ rớt hơn”.
- “Em sợ không vô được ngành mình yêu thích”.
- “Em thấy lo lắng nên lúc nào cũng phải quan sát, phải lên mạng thường xuyên”…
Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, các hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 chủ yếu tập trung ở các trường đại học công lập. Trung bình mỗi trường nhận khoảng 2.000 hồ sơ. Đặc biệt, có nhiều trường số hồ sơ tăng đột biến.
Kết thúc 3 ngày đầu của đợt nhận hồ sơ nguyện vọng 1, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã nhận khoảng 3.300 hồ sơ trong tổng số 8.000 chỉ tiêu cho 21 ngành đào tạo.
Để nhanh chóng cập nhật thông tin hồ sơ xét tuyển, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, sắm mới nhiều trang thiết bị, tăng cường gấp đôi đội ngũ nhân lực so với mọi năm, trường còn thiết kế luôn một phần mềm tuyển sinh riêng. Chuẩn bị kỹ càng là vậy nhưng đơn vị này vẫn không thoát khỏi những xáo trộn trong quá trình xử lý dữ liệu thí sinh.
Tuyển sinh đại học 2015: Giải đáp những vấn đề “nóng”
PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố nói: “Công tác nhập và lấy dữ liệu ra bây giờ không thể nhanh như ngày trước, khi chúng ta lấy một file duy nhất gồm tất cả các điểm đã có sẵn. Hiện nay, em nào đăng ký nguyện vọng 1, trường nhập vào phần mềm của Bộ mới lấy được dữ liệu ra.
Vì bao gồm 2 đến 3 công đoạn nên công tác lấy dữ liệu không thuận tiện, nhanh chóng. Khi tất cả các trường đều sử dụng phần mềm của Bộ thì cơ sở hạ tầng phải rất tốt. Nếu không, với số lượng lớn các trường như thế này, tốc độ truy cập và lấy thông tin sẽ bị ảnh hưởng”.
Gần 2.800 là số hồ sơ mà Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh nhận được sau 4 ngày xét tuyển nguyện vọng 1. Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.000 sinh viên. Với số lượng hồ sơ lớn như thế này, đặc biệt có buổi phải giải quyết 1.000 hồ sơ, áp lực là điều khó tránh khỏi.
Theo thạc sĩ Võ Hà Quang Định, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn đến từ những yếu tố kỹ thuật trong phần mềm tuyển sinh chung. Nhằm giảm tải cho phần mềm của Bộ Giáo dục – Đào tạo, trường đã chủ động sử dụng phần mềm riêng khi nhập thông tin thí sinh. Thế nhưng, để có được những dữ liệu cuối cùng, bộ phận làm công tác tuyển sinh phải trải qua nhiều công đoạn thủ công rất mất thời gian.
Thạc sĩ Võ Hà Quang Định kiến nghị: “Phần mềm của Bộ Giáo dục – Đào tạo nên có cơ chế tự động giao tiếp giữa hệ thống phần mềm của Bộ với hệ thống phần mềm của từng trường. Có như vậy, mỗi lần các trường nhập thông tin, tự khắc phần mềm sẽ kết nối với phần mềm của Bộ để lấy dữ liệu về luôn, không cần thêm động tác xuất dữ liệu ra rồi nhập lên phần mềm của Bộ”.
Bên cạnh những băn khoăn về mặt kỹ thuật, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh còn có điều trăn trở khác trong đợt xét tuyển này: “Điều mà hiện nay Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh lo lắng nhất là sự mất cân đối giữa số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển. Vì nếu chênh lệch này quá lớn sẽ dẫn đến việc rất nhiều thí sinh không trúng tuyển được. Khi đó, hoặc là các em phải bỏ nguyện vọng một, hoặc phải rút hồ sơ trong thời hạn quy định. Do đó, chúng tôi khuyến cáo thí sinh nên liên tục theo dõi thông tin về hồ sơ xét tuyển, cũng như điểm xét tuyển trên trang web của các trường đại học và cao đẳng”.
Việc Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa vào sử dụng phần mềm tuyển sinh chung trong năm nay đã góp phần đồng bộ hóa nguồn dữ liệu trên cả nước, cũng như giúp quản lý chặt hơn việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Từ đó hạn chế thấp nhất tình trạng tranh giành thí sinh giữa các trường.
Thế nhưng, theo đề xuất của các trường, cần có những thay đổi linh hoạt hơn về mặt kỹ thuật cũng như cơ chế. Có như vậy, quy trình xét tuyển mới nhanh chóng, chính xác, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho thí sinh./.