Dự kiến trong tháng 2/2015, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức Quy chế tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều địa phương còn băn khoăn với những dự kiến của Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức cụm thi, phương thức tổ chức coi và chấm thi cũng như giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ...
Khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên việc bố trí các cụm thi để những học sinh ở vùng sâu, vùng xa đến địa điểm thi an toàn và nhanh chóng là công việc hết sức khó khăn.
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ (NGƯT.TS) Nguyễn Văn Bao (Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc) cho biết, năm 2015, khu vực Tây Bắc tổ chức cho học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại địa điểm thi ở các tỉnh: Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Còn thí sinh ở Lào Cai, Yên Bái dự thi ở Tân Trào (Tuyên Quang).
Số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia ở ĐH Tây Bắc ngang bằng với các trường ở những tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, nhà trường kiến nghị về việc bố trí cụm thi cho học sinh ở những vùng, miền khó khăn vì địa hình ở khu vực Tây Bắc nhiều đồi núi, đường sá đi lại không hề dễ dàng. Địa điểm thi, cơ sở vật chất trong toàn vùng không phải nơi nào cũng có thể đáp ứng ngay được yêu cầu tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia.
Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ được các trường ĐH, CĐ sử dụng để thực hiện tuyển sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh ở khu vực Tây Bắc đều có ý định học lên ĐH, CĐ. Nhiều em chỉ muốn học hết lớp 12 và tham dự kỳ thi để được công nhận đỗ tốt nghiệp THPT. Để học sinh không phải quá lo lắng trong việc đi lại xa xôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao cho rằng, Bộ GD-ĐT cần bố trí địa điểm thi, cụm thi phù hợp và thuận tiện cho những học sinh chỉ có ý định muốn đỗ tốt nghiệp THPT, chứ không phải học lên ĐH, CĐ.
Cho đến nay, kỳ thi ĐH, CĐ vẫn được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, khách quan nhất. Các trường ĐH, CĐ vẫn được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi. Vì số lượng học sinh đăng ký dự thi có thể chỉ xê dịch chút ít nên các trường vẫn có thể phân bổ được số phòng thi, cán bộ coi thi.
Tuy nhiên, với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT vẫn giao cho các trường ĐH, CĐ tổ chức thi thì những trường ở địa bàn rộng và xa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên tham gia công tác coi thi từ nhiều nơi khác tới dự thi.
Ví dụ như đối với khu vực Tây Bắc là vùng, miền khó khăn, địa bàn rộng, nếu giao cho ĐH Tây Bắc tổ chức thi sẽ khó có thể đảm đương được việc thuê phòng, cán bộ coi thi một cách đầy đủ và đảm bảo.
NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng đặc thù tổ chức thi ở những địa phương có địa hình khó khăn, dân cư sống rải rác và nhu cầu dự thi của các đối tượng học sinh khác nhau.
Trường ĐH “top” trên cần thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh
Trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có đề cập đến việc các trường ĐH, CĐ chỉ được tuyển sinh vượt chỉ tiêu vài phần trăm. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu thì sẽ bị kỷ luật. Đồng ý với quy định trên, NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT không kiểm soát việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh thì có thể vẫn xảy ra tình trạng trường “top” trên tuyển sinh vượt quá giới hạn cho phép. Điều này cũng khiến thí sinh đồ xô vào học ở những trường ĐH, CĐ “top” trên, không đăng ký dự thi và nộp hồ sơ xét tuyển ở những trường “top” trung hoặc “top” dưới.
Bất cập trong việc nhiều trường “top” trên tuyển vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh “đầu vào” còn ở chỗ, sinh viên đã học ở các trường này được 1-2 năm nhưng không đáp ứng được yêu cầu đào tạo lại phải nghỉ học giữa chừng. Thực tế này đã gây ra sự lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của sinh viên.
Theo ý kiến của NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao, các trường ĐH, CĐ nên tuân thủ nguyên tắc tuyển sinh dựa trên năng lực, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ở trường mình để thực hiện tuyển sinh theo đúng chỉ tiêu. Các trường “top” trên không nên lạm dụng uy tín đào tạo mà “chạy” theo việc tuyển nhiều sinh viên để có nguồn thu và thu học phí cao hơn. Nếu các trường “top” trên tuyển đúng chỉ tiêu đào tạo theo năng lực của trường thì chắc chắn sinh viên sẽ không phải “thấp thỏm” mong ngóng vào những trường này mà sẽ nộp đơn xét tuyển vào những trường ở “top” trung hoặc “top” dưới. Điều này cũng góp phần ổn định tâm lý cho thí sinh cũng như tránh những xáo trộn trong mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ./.