Gần đây, hàng loạt vụ lùm xùm mà mấu chốt chủ yếu là do tranh chấp lợi ích trong nội bộ nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tại thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận không khỏi lo lắng cho sự phát triển bền vững của hệ thống trường tư ở nước ta.
Gần 2 tháng nay, những tranh cãi trong nội bộ Trường Đại học Hoa Sen đã ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh nhà trường và khiến sinh viên hoang mang, lo lắng. Cuối tháng 7/2014, Ban giám hiệu Trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức hội nghị có tên “Trước nguy cơ Trường Đại học Hoa Sen bị chiếm đoạt” với nội dung chủ yếu bàn về những hệ quả mà tập thể sư phạm và sinh viên trường này có thể phải đối mặt khi nhóm cổ đông chiếm 30% vốn kiểm soát trường.
Tình hình tiếp tục nóng lên với hàng loạt tranh cãi sau đó, khi cả nhóm cổ đông 30% và Ban giám hiệu đều khẳng định mình có quyền điều hành trường. Theo bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, vì các vụ việc diễn ra đúng vào đầu năm học nên đã phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh.
Không chỉ tân sinh viên tỏ ra dè dặt mà nhiều sinh viên đang theo học tại trường cũng thấy bất an. Sinh viên Hồ Dương Thúy Ngọc tâm tư: “Nghe báo chí và mọi người nói giống như trường Hùng Vương thứ 2. Em cảm thấy sợ vì sau này ra trường, bằng của em không có giá trị”.
Trước sự việc ở trường Hoa Sen, những mâu thuẫn vì lợi ích nhóm cũng đã dẫn đến việc mất khả năng điều hành trong nội bộ trường Đại học Hùng Vương. Hiệu trưởng đương nhiệm bị cách chức, hiệu trưởng mới không được công nhận, trường không được tuyển sinh suốt 3 năm liền. Và cao điểm của chuỗi bất ổn này đã khiến hơn 1.800 sinh viên Hùng Vương phải thi tốt nghiệp nhờ tại trường khác với thời gian chậm trễ gần 1 năm. Trường bất ổn, chịu thiệt thòi nhất vẫn là sinh viên.
Lê Văn Phúc, một sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương bức xúc: “Họ đã giải quyết xong mọi việc nhưng chẳng có ai xin lỗi gì. Giờ chúng em ra trường khó xin việc vì họ không tin tưởng bằng của Đại học Hùng Vương”.
Sinh viên vừa tốt nghiệp sợ không kiếm được việc làm do uy tín nhà trường giảm sút, còn sinh viên đang theo học luôn tự hỏi tương lai mình rồi sẽ ra sao khi đến nay, những cuộc chiến vì tiền vẫn chưa dừng lại.
Sinh viên Võ Thị Mỹ Duyên, Đại học Hùng Vương cho biết: “Thực sự chúng em cũng không biết là khi ra trường với giấy chứng nhận đó, tụi em sẽ như thế nào. Em cũng chỉ mong chuyện này được giải quyết xong”.
Theo Phó giáo sư– Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mộng Giao, mâu thuẫn trong Trường Đại học Hùng Vương chủ yếu do tranh chấp lợi ích. Muốn lấy lại niềm tin từ dư luận, trong đại hội cổ đông sắp tới, Ban giám hiệu và Hội đồng quản trị Trường Đại học Hùng Vương phải thanh lọc bộ máy lãnh đạo, tránh tình trạng bè phái như hiện nay: “Vấn đề then chốt bây giờ là trường phải làm rõ sở hữu và làm rõ mục tiêu của trường. Đây là một trung tâm khoa học, trung tâm giáo dục chứ không phải là nơi kiếm ăn để gạt bỏ những người đến trường là vì muốn tranh giành chức vụ. Chỉ khi nào làm được điều đó thì mới có thể ổn định được trường”.
Chưa xong chuyện đại học Hùng Vương, đại học Hoa Sen ồn ào với tranh chấp tiền, quyền lực, gần đây, những mâu thuẫn này tiếp tục đẩy Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh… vào cuộc chiến ngầm.
Và khái niệm “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận”trong Luật giáo dục Đại học đã đẩy những cuộc tranh giành quyền lợi tại nhiều trường tư lên đỉnh điểm. Nhiều nhà đầu tư lo sợ: khi trường tuyên bố phi lợi nhuận, tiền túi của họ sẽ mặc nhiên trở thành "khối tài sản chung không chia" nên kịch liệt phản đối. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với lãnh đạo nhà trường.
Nếu như giai đoạn từ đầu năm 2000 đến năm 2007, nhắc đến những cái tên như Hùng Vương, Hoa Sen, Văn Hiến… người ta nghĩ ngay tới chất lượng đào tạo thì nay, tranh chấp quyền lực mới là chuyện mà dư luận quan tâm khi nói đến các trường này.
Lãnh đạo một trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh (giấu tên) cho biết, việc không cân đối được vấn đề tài chính và lợi nhuận ngay từ đầu chính là ngòi nổ của các cuộc tranh giành tại trường tư: “Trong số những nhà sáng lập ra các trường đại học dân lập và sau này là trường tư của Việt Nam, không phải không có những người mong muốn xây dựng một trường phi lợi nhuận điển hình. Tuy nhiên, những nhà sáng lập đó cũng ít và bản thân họ sau một thời gian lao theo mục tiêu phi lợi nhuận, họ cũng gặp khó khăn vì tài chính và tài sản để bảo đảm phát triển tốt là một món tiền khổng lồ. Cuối cùng họ cũng phải kêu gọi góp vốn. Vấn đề lợi nhuận bắt đầu xuất hiện”.
Vấn đề mà các trường tư đang gặp phải hiện nay là chưa tách rời được quyền sở hữu và quyền quản trị giữa nhà đầu tư với tập thể sư phạm nhà trường. Nhà đầu tư khi rót tiền đều coi mình là "chủ trường" nên muốn toàn quyền điều hành. Trong khi đó, lãnh đạo các trường rất khó chấp nhận thực tế này. Họ cho rằng mình có công lớn trong việc nâng cao giá trị "khối tài sản chung không chia" nên phải nắm quyền quản lý. Thế là đấu đá, lật đổ nhau. Và không cần nói, mọi người cũng có thể nhận ra: mọi xích mích tựu chung chỉ vì tiền./.