>> Bài 1: Vì tiền hay vì sinh viên
Những nỗi khổ, lo lắng mà sinh viên các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang phải chịu đựng do cuộc chiến vì tiền của những nhà đầu tư và nhà giáo mà chúng tôi đã phản ánh trong bài "Vì tiền hay vì sinh viên" là hậu quả của chính sách phát triển trường tư thục thiếu rõ ràng, chưa đảm bảo công bằng và đặt lợi ích của người học lên trên.
Tiếp tục loạt bài "Tranh chấp quyền lực trong trường tư - Nút thắt từ cơ chế", phóng viên VOV tại TP HCM nêu những "mảng mờ" của Luật Giáo dục Đại học năm 2012 khiến nhiều trường ngoài công lập rơi vào vòng lẩn quẩn do không tìm được tiếng nói chung.
Khái niệm "Đại học tư thục không vì lợi nhuận" được coi là điểm mới đáng quan tâm nhất ngay sau khi Luật Giáo dục Đại học đi vào đời sống. Thế nhưng, vấn đề “lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” vẫn chưa được phân biệt rạch ròi trong Luật. Chính điều này đã tạo ra mâu thuẫn lợi ích nhóm tại không ít trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thời gian qua. Khi khối tài sản khổng lồ mang tên “sở hữu chung không chia” vẫn chưa biết sẽ thuộc về ai nếu chuyển sang mô hình “phi lợi nhuận”, việc nảy sinh tranh chấp giữa nhà đầu tư và tập thể sư phạm nhà trường là điều khó tránh khỏi.
Theo Giáo sư Phạm Phụ, sự thiếu rõ ràng trong những khái niệm liên quan trực tiếp tới quyền lợi kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ lùm xùm tại các trường tư: “Chính sách của Nhà nước chưa rõ ràng, nhiều cái giống như những mảng mờ. Trong đó, cả Luật Giáo dục Đại học lẫn các Nghị định vẫn không nói rõ được đại học tư thục vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận cụ thể như thế nào. Do luật pháp không quy định rõ ràng dẫn tới trong nội bộ nhà trường cũng quan niệm khác nhau, ngoài xã hội cũng quan niệm khác nhau, cuối cùng cãi vã, kiện cáo nhau”.
Những tranh chấp trong nội bộ trường Cao đẳng Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình cho sự nhập nhằng giữa 2 khái niệm lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Sau 7 năm hoạt động, vào đầu tháng 8 qua, Đại hội cổ đông trường này tuyên bố: chuyển đổi từ mô hình phi lợi nhuận sang lợi nhuận. Sóng gió bắt đầu nổi lên. Ngay thời điểm chuyển đổi, phần vốn thuộc "sở hữu chung không chia" của trường chiếm trên 64%. Dựa vào con số này, nhiều thành viên thuộc Hội đồng quản trị vừa bị bãi nhiệm của trường cho rằng, muốn thay đổi mô hình hoạt động cần phải lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên, nhân viên và cổ đông chứ không thể để một nhóm cổ đông vì muốn lợi nhuận mà thay đổi như vậy.
Ông Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi thấy vấn đề này là do luật của mình. Khi xây dựng Luật cho Đại học, người ta phân biệt Cao đẳng và Đại học là khác nhau cho nên không thực thi Luật với Cao đẳng. Chính điều này làm cho lực lượng lao động tại trường chúng tôi cảm thấy hoang mang. Một số người có nhiều tiền vốn lợi dụng điều này để giành quyền lực trong trường”.
Không chỉ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn từ cơ sở vật chất đến giảng viên, đầu vào sinh viên… giống như trường công lập, theo quy định của Luật Giáo dục Đại học hiện hành, các trường tư còn chịu sự quản lý khá gắt gao về mặt tài chính. Theo khoản 3a, Điều 66 của Luật này: trường tư phải dành ít nhất 25% lợi nhuận để đầu tư phát triển chất lượng giáo dục. Vấn đề mà cả nhà đầu tư và lãnh đạo các trường quan tâm là một phần tư lợi nhuận bị giữ lại đó thực chất thuộc quyền sở hữu của ai? Điều này Luật không nói đến. Một khi không được phân định rạch ròi, mâu thuẫn sẽ phát sinh. Và thực tế đang chứng minh điều đó khi Trường Đại học Hoa Sen, Hùng Vương, vốn được coi là những “ông lớn” trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, vẫn chưa thể thoát khỏi cuộc chiến quyền lực.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, hiện các trường đại học, cao đẳng tư thục đang bị đối xử bất công. Nếu như trường công được Nhà nước hỗ trợ trên nhiều mặt, trường tư vừa phải bỏ tiền mua đất đai, thuê cơ sở, trả lương cho giảng viên, đầu tư phát triển… vừa phải đóng thuế.
Tất cả các khoản đó đều phải cộng vào làm tăng học phí, nên trường tư khó có thể cạnh tranh trong tuyển sinh với trường công. Thêm vào đó, việc siết chuẩn đầu vào cũng khiến trường tư, đặc biệt là những trường mới thành lập gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh viên.
Do vậy, tại buổi làm việc mới đây với Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận đã kiến nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập phát huy tốt thế mạnh của mình: “Thứ nhất, việc giao đất không tính thuế quyền sử dụng đất (thuê, mua) để các trường hoạt động. Thứ hai, cho vay kích cầu đủ điều kiện để họ làm. Thời gian cho vay có thể kéo dài hơn để họ hoàn vốn và có một chút lợi nhuận trong quá trình đầu tư. Thứ ba, đừng gọi họ là những doanh nghiệp. Họ đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, gọi họ là hiệu trưởng, ban giám hiệu chứ sao gọi là công ty”.
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, những đóng góp của gần 100 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trên toàn quốc cho nền giáo dục nước nhà là không hề nhỏ. Nhiều người lo sợ, nếu vì một lý do nào đó mà các trường đại học tư phải đóng cửa hàng loạt hoặc yếu đi thì liệu các trường công vốn đã rất quá tải có bị biến tướng trong quá trình đào tạo hay không?./.