Tăng cường đầu tư thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Đầu tư lệch, coi trọng máy móc hơn con người                                        

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu trong Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tiếp đó mới đến đầu tư mua sắm trang thiết bị. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy đã có sự hoán đổi vị trí, thứ tự ưu tiên trong quá trình thực hiện đề án ở nhiều địa phương, thậm chí có một khoảng cách rất lớn trong việc phân bổ kinh phí ở 2 hạng mục quan trọng này.

Tháng 2/2012, UBND TP Đà Nẵng quyết định phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012 -2020” với tổng kinh phí dự tính gần 140 tỷ đồng. Tất nhiên, nhiệm vụ: nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên được coi trọng hàng đầu, tiếp đó là đầu tư trang thiết bị.

ngoai_ngu_lptj.jpg 

Ảnh minh họa

Thế nhưng, dẫu mới chỉ bắt tay thực hiện được 2 năm, sự mất cân đối trong công tác đầu tư đã thể hiện khá rõ. Là người phụ trách mảng ngoại ngữ, bà Phạm Thị Trinh, Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Đà Nẵng không khỏi băn khoăn trước thực trạng đầu tư có phần “thiên lệch” này.

“Thành phố tập trung nhiều về trang thiết bị còn giáo viên dù rất quan trọng nhưng phần bồi dưỡng chưa được cân đối với trang thiết bị. Ví dụ năm học này, kinh phí bồi dưỡng giáo viên chỉ có 320 triệu đồng nhưng đầu tư trang thiết bị lên tới 2,7 tỷ đồng” - bà Hồng nói.

Không còn là câu chuyện cá biệt của một vài địa phương nào đó mà việc ưu ái đầu tư cho hạng mục trang thiết bị đã và đang trở thành câu chuyện “nóng” ở nhiều tỉnh. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh đã mạnh tay đầu tư nguồn kinh phí lên tới 87 tỷ cho trang thiết bị, trong khi kinh phí bồi dưỡng giáo viên là gần 20 tỷ đồng.

Dư luận bức xúc đầu tư không minh bạch

Việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa 2 hạng mục con người - thiết bị sẽ không dẫn đến sự phản ứng, bất đồng đến mức độ “căng” ở một số địa phương trong thời gian qua nếu như những thiết bị được ưu ái “rinh” về đó thực sự phát huy tác dụng. Năm 2011, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt và triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 từ năm 2011- 2015. Tổng kinh phí dự toán giai đoạn này là gần 73 tỷ đồng (72.794.490.000 đồng), trong đó mua sắm trang thiết bị lên tới 50 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2013, Quảng Trị đã được phân bổ gần 19 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước để triển khai đề án. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, cách thức tổ chức, triển khai của ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị đã gây bức xúc cho chính những cán bộ, giáo viên trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học tỉnh Quảng Trị đã thẳng thắn: “Về chuyện mua sắm cơ sở vật chất không phục vụ ngoại ngữ, tôi lấy VD, chúng tôi có 3 phòng máy rất hiện đại phục vụ dạy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông nhưng từ khi sắm thêm 1 phòng hơn 1 tỷ đồng thì 3 phòng đó chết ngắc, không có 1 tiết tiếng Anh nào được dạy ở đây. Vừa rồi trang bị 39 phòng máy cơ bản cho tiểu học với kinh phí 3,2 tỷ đồng rồi đang tiếp tục làm tiếp 21 phòng nữa trị giá 4,2 tỷ đồng. Gần như quyết định mua phòng máy đó là bộ phận mua sắm cơ sở vật chất làm, có hỏi chyên viên chúng tôi cũng không biết đánh giá hiệu quả của nó như thế nào!”.

Thông tin phản ánh, ngay từ khi bắt tay thực hiện đề án, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã ồ ạt triển khai trên diện rộng, việc mua sắm trang thiết bị chưa sát với nhu cầu thực tế, đặc biệt ở những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chưa nói đến tần suất sử dụng, mà ngay cả việc sử dụng các thiết bị đó ra sao với nhiều giáo viên thực sự là bài toán khó.

Lý giải cho cái sự quá ưu ái cho hạng mục đầu tư thiết bị của Ban Chỉ đạo Đề án, ông Minh đã dùng cụm từ “dường như ở đấy nó có nhiều lợi ích, rất lạ lung”: “Ở Quảng Trị, toàn bộ thành phần Ban dự án chỉ là Sở thôi (Sở GD&ĐT), không có Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, UBND tỉnh. Trong khi đó lãnh đạo Sở rất quan tâm đến việc mua sắm cơ cở vật chất, thiết bị vì dường như ở đấy nó có nhiều lợi ích gì đấy, rất lạ lùng, dường như  có vấn đề gì đấy lạ lùng. Lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã xuống làm việc với Ban đề án, phê phán rất nhiều chuyện mua sắm không phục vụ dạy học ngoại ngữ…”.

Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ đề án của Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Trị không còn là chuyện trong nhà đóng cửa bảo nhau mà còn là vấn đề nóng khiến cử tri của tỉnh này đã kiến nghị lên đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Câu chuyện cắt kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên để mua sắm trang thiết bị và thiết bị đó không phát huy hiệu quả, thậm chí nằm đắp chiếu gây lãng phí, theo TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Trưởng Ban thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 thì đây là bất cập lớn, dẫu đề án mới triển khai được 4 năm.

“Có rất nhiều tồn tại trong công tác mua sắm này. Đây là điểm nóng của đề án. Một số đơn vị, địa phương phân bổ kinh phí không đều, phân bổ phần lớn kinh phí dành cho mua sắm thiết bị. Một số đơn vị, địa phương điều chỉnh kế hoạch phân bổ ngân sách của TW sử dụng nguồn kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên để mua sắm trang thiết bị, một số đơn vị có quan điểm đầu tư riêng. Nhiều địa phương trú trọng mua sắm thiết bị dạy học mới mà không chú ý đến việc sử dụng những thiết bị sẵn có. Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin nhưng không đồng bộ và thiếu các phần mềm ứng dụng phù hợp hay thiết bị mua về quá lạc hậu không sử dụng được. Một số nơi mua sắm ồ ạt trong khi chưa có người đủ khả năng vận hành những thiết bị này… Tất cả những vấn đề phát sinh đó gây cho lãnh phí, bức xúc trong nhân dân.

Hiện nay, Bộ Giáo dục - Đào tạo giao quyền tự chủ cho địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học Ngoại ngữ, trong đó vai trò của Giám đốc Sở GD-ĐT cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó Bộ cũng đã có những văn bản hướng dẫnchỉ đạo cụ thể việc mua sắm trang thiết bị, chống tình trạng lãng phí.  Ngay cả việc đưa ra danh sách các loại thiết bị, tính năng, cấu tạo...  để các địa phương lựa chọn, miễn sao phù hợp với điều kiện, khả năng, thế nhưng những hướng dẫn đó nhiều khi không được chú trọng.

Ông Phí Đức Nam – Trưởng phòng Thiết bị-sách và đồ chơi trẻ em, Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) nêu: “Các danh mục thiết bị được xây dựng bởi các nhà khoa học. Danh mục đó có các bước khác nhau để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn theo các điều kiện, năng lực, kinh phí của mình.  Thực tế khi chúng tôi đi kiểm tra ở nhiều đơn vị, họ nhìn lướt qua bảo “À, danh sách này à, 12 thiết bị à, mua hết cả 12, chẳng cần biết để làm cái gì, sử dụng chúng như thế nào, bao nhiêu người dùng được thiết bị ấy! Trước kia thiết bị có hiện đại lắm đâu vẫn làm được… Phụ huynh, dư luận bức xúc về vấn đề này”.

Việc chăm chỉ mua sắm các máy móc, thiết bị mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên, người ta có thể biện dẫn rằng do kế hoạch chưa sát với điều kiện thực tế của địa phương, do chưa có kinh nghiệm, do đó là giải pháp dễ triển khai… song người dân có quyền nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình đầu tư này lắm chứ!./.