Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là người giải trình và trả lời những vấn đề bất cập, còn đang tồn tại trong ngành giáo dục.

Một trong những vấn đề “nóng” khiến đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước bất ngờ và quan tâm là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã khẳng định, việc đào tạo, dạy học Ngoại ngữ của Việt Nam hiện nay không giống một nước nào trên thế giới.

bo-truong-luan_mpmv.jpg 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn sáng 11/6  

Ở nhiều nước trên thế giới, việc giảng dạy và học ngoại ngữ được thực hiện rất bài bản với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chương trình sách giáo khoa và đặc biệt chú trọng đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Những yếu tố này cộng với việc thi cử, cấp chứng chỉ, bằng cấp đều theo một tiêu chuẩn quốc tế và rất khách quan, trung thực đã khiến chất lượng nguồn nhân lực của họ được đánh giá cao. Sinh viên học tập, lao động học nghề đều được trang bị kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn để có thể làm việc ở bất cứ đâu, trong môi trường như thế nào.

Còn ở Việt Nam, học sinh, sinh viên học ngoại ngữ nhưng không nói chuẩn hay để người khác hiểu được mình đang nói, nghĩ gì. Việc dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông chưa có những tiêu chí cụ thể mang tính tuyệt đối, trình độ của giáo viên chưa đạt được yêu cầu đề ra.

Vị “tư lệnh” ngành giáo dục cũng đã thừa nhận yếu kém trong dạy và học ngoại ngữ của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, điều mà người dân băn khoăn là những giải pháp mà Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra để khắc phục thực trạng trên không dễ dàng thực hiện được.

Tỷ lệ giáo viên dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn rất cao

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ giỏi về chuyên môn và phải có trình độ ngoại ngữ tốt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án Ngoại ngữ 2020).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án là từ năm 2009, thí điểm dạy ngoại ngữ theo chương trình 10 năm ở bậc phổ thông và tăng cường dạy ngoại ngữ cho các cơ sở đào tạo. Điều đó có nghĩa là môn Ngoại ngữ được thí điểm sử dụng làm môn học chính thức, có chấm điểm cho học sinh từ năm học lớp 3.

Thế nhưng, kể từ khi thực hiện và tổng kết thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 theo từng giai đoạn, Bộ GD-ĐT đã phải thừa nhận rằng, trình độ giáo viên ngoại ngữ ở nước ta quá thấp. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tổng kết thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2013, qua báo cáo của 42 tỉnh, thành, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh phổ thông chưa đạt chuẩn theo quy định rất cao, với gần 75% giáo viên Tiểu học và 90% THPT chưa đạt.

Nhiều thầy, cô giáo chưa đạt chuẩn về kỹ năng phát âm từ vựng, kiến thức về ngữ pháp tiếng Anh còn hạn chế. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảng dạy cho học sinh từ cấp học thấp, bởi các em tiếp thu, bắt chước cách phát âm một ngôn ngữ khác rất nhanh và hình thành thói quen phát âm khá lâu. Ví dụ trong tiếng Anh từ ship và sheep, eat và it có cách phiên âm có vẻ giống nhau nhưng thể hiện bằng chữ viết và ngữ nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Nếu trẻ phát âm không chuẩn hoặc lặp lại cách phát âm sai thường xuyên thì sẽ có thói quen học ngoại ngữ không đúng.

Với mục đích có được nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập với khu vực và thế giới, Bộ GD-ĐT đã chú trọng đến chiến lược đào tạo đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, cách thức tổ chức bồi dưỡng, tập huấn còn manh mún, chưa đồng bộ vì ngoại ngữ chưa phải là môn học bắt buộc ở bậc Tiểu học và biên chế giáo viên ở cấp học này rất ít nến số lượng giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ hầu như cũng tỷ lệ thuận với con số này.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có sự luân chuyển giáo viên cấp THCS và THPT xuống cấp Tiểu học để dạy ngoại ngữ nhưng số lượng vẫn còn thiếu rất nhiều. Nhiều giáo viên bậc THCS, THPT có trình độ thấp mà việc đào tạo, bồi dưỡng lại trong thời gian ngắn nên hiệu quả không cao. Môi trường để giáo viên thực hành, tiếp xúc với ngôn ngữ bản địa hầu như không có. Còn việc cử giáo viên đi học tập, tập huấn ở nước ngoài chỉ có số lượng giới hạn vì kinh phí được cấp cho các địa phương không nhiều.

Việc học tập ngoại ngữ ở học sinh bị hạn chế không chỉ vì đội ngũ giảng viên chưa đạt yêu cầu mà còn do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy môn học này ở các cấp học đều thiếu thốn, chưa đồng bộ.

Năm 2015, Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN. Điều này có nghĩa là sẽ có sự dịch chuyển lao động và cạnh tranh việc làm giữa nguồn nhân lực ở trong nước với những lao động từ nước khác đến nước ta. Không chỉ phải có trình độ, tay nghề cao, lao động Việt Nam cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ thật tốt để làm việc trong môi trường làm việc không sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Thế mà trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên và nguồn nhân lực cũng như chất lượng giảng dạy của giáo viên còn nhiều bất cập như trên thì e rằng, lao động Việt Nam sẽ bị thua ngay trên sân nhà!

Và với thực trạng hiển hiện như vậy thì nghe chừng chúng ta khó có thể đạt được mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải có được đội ngũ “công dân toàn cầu”, cái gì cũng biết, cũng làm được khi đặt chân đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Giai đoạn “nước rút” đang đến gần, nghe chừng Bộ GD-ĐT khó có thể “kham” nổi./.