Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Kỳ thi được tổ chức với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. So với bản dự thảo mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 8/9 có một số thay đổi về thời gian làm bài và số lượng câu hỏi trong từng bài thi.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT giải thích rõ hơn về những điểm mới và các hình thức làm bài của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT |
PV: Xin ông cho biết việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017 sẽ được thực hiện như thế nào?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Bộ đã nhận được rất nhiều ý kiến từ phía xã hội đóng góp cho dự thảo. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Bộ đã tiếp thu những phương án hợp lý và khả thi để chốt phương án thi chính thức.
So với dự thảo đã được công bố chỉ có một số thay đổi. Thứ nhất, trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố sẽ tổ chức 1 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương. Các điểm thi được bố trí phù hợp để thuận lợi nhất cho thí sinh. Bộ GD-ĐT cũng sẽ cử một số cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ về các tỉnh để phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi.
Về điều chỉnh bài thi, thí sinh hệ giáo dục THPT sẽ làm 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên). Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với thí sinh hệ giáo dục thường xuyên thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội).
Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Một điều chỉnh nữa là số lượng câu hỏi trong đề thi mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội sẽ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 50 phút. Đề thi của bài thi Toán, Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương án trả lời đúng.
Đề thi bài thi Ngữ văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn. Thí sinh làm bài trong 120 phút.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 không có sự thay đổi nhiều so với năm 2016. Các trường sẽ được tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Thứ nhất, các trường có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 để làm căn cứ tuyển chọn thí sinh vào trường. Thứ hai, các trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.
Thứ ba, các trường ĐH, CĐ có thể dựa vào kết quả của thí sinh ở bậc THPT thông qua các đề án tự chủ tuyển sinh. Thứ tư, các trường có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên.
Nói riêng về việc phương thức lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để tuyển sinh ĐH, CĐ, năm 2017, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng hơn.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ sử dụng phần mềm để đưa ra danh sách dự kiến thí sinh trúng tuyển với kết quả phù hợp nhất các em. Các trường ĐH, CĐ sử dụng danh sách này và căn cứ vào điều kiện cụ thể của trường mình để quyết định danh sách trúng tuyển. Việc làm này vừa bảo đảm quyền lợi của thí sinh, vừa hỗ trợ các trường ĐH, CĐ khắc phục tình trạng thí sinh “ảo”.
Cơ sở để Bộ GD-ĐT thực hiện thi trắc nghiệm môn Toán
PV:Thưa ông, trước khi phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 được đưa ra, dư luận xã hội hết sức băn khoăn về 3 vấn đề.Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, khoa học xã;các bài thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn);giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức chủ trì cụm thi. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ giải tỏa những lo lắng của trên như thế nào?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Năm 2017, Bộ GD-ĐT thiết kế 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với Giáo dục Thường xuyên).
Bài thi tổ hợp là khối kiến thức của từng phân môn. Bài thi Khoa học tự nhiên sẽ có 40 câu hỏi môn Vật lí, 40 câu hỏi môn Hóa học, 40 câu hỏi Sinh học. Trong quá trình làm bài thi, thí sinh có thể làm hết phân môn này rồi mới chuyển sang phân môn khác để đảm bảo sự công bằng, khách quan trong mục tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Trước sự lo lắng của dư luận xã hội về việc thi trắc nghiệm có phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 hay không thì chúng ta biết rằng với đặc điểm của bài thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với mục tiêu đánh giá kiến thức của thí sinh ở mức độ cơ bản, đặc biệt là đối với kỳ thi có số lượng thí sinh tham gia đông.
Mục tiêu chính của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vẫn là lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ. Đây không phải là kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi. Hàng năm, có khoảng 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Do đó, hình thức thi trắc nghiệm khách quan là phù hợp với mục đích của kỳ thi THPT Quốc gia.
Còn việc Bộ GD-ĐT giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cụm thi, chúng ta đều biết là trong những năm gần đây, đặc biệt là qua 2 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 và 2016, với tinh thần trách nhiệm thực hiện đúng quy chế, các Sở GD-ĐT đều hoàn thành tốt việc tổ chức thi. Vì vậy, năm 2017, Bộ quyết định giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì tổ chức cụm thi.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ phân công các giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ phối hợp với các Sở GD-ĐT tổ chức nghiêm túc cho kỳ thi.
PV:Trong những ngày qua, Hội Toán học Việt Nam và nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối về hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với môn Toán. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT vẫn chốt thi môn Toán theo hình thức này, thưa ông?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Việc lựa chọn một phương án thi nào phải dựa vào nhiều yếu tố. Thứ nhất là hình thức thi có phù hợp với mục tiêu của cả kỳ thi hay không. Thứ hai là những điều kiện về mặt thực tiễn có phù hợp không. Thứ ba là về mặt lý luận căn cứ khoa học có bảo đảm không. Xem xét những yếu tố này, Bộ GD-ĐT nhận thấy, hình thức thi trắc nghiệm khách quan phù hợp với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Về mặt thực tiễn, đề thi trắc nghiệm khách quan đã được Bộ GD-ĐT tổ chức thành công từ năm 2007 đối với các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Trong thực tiễn dạy học ở các trường THPT, Bộ có sự hướng dẫn với nhà trường sử dụng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó quy định rất rõ cách thức biên soạn ngân hàng câu hỏi, sử dụng, làm bài các câu hỏi tự luận, trắc nghiệm.
Riêng với môn Toán, các hình thức trắc nghiệm khách quan cũng đã được sử dụng với mức độ khác nhau ở các kỳ thi khác nhau. Trong chương trình giáo dục phổ thông, hình thức trắc nghiệm môn Toán cũng đã được sử dụng trong sách giáo khoa, bài tập cũng đã được sử dụng sau mỗi bài, mỗi chương. Như vậy, hình thức trắc nghiệm khách quan đã được giáo viên và học sinh làm quen.
PV:Trước khi công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 cho đến nay, dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh đều bày tỏ sự lo lắng. Ông có nhắn nhủ gì với phụ huynh và học sinh trước kỳ thi sắp tới?
PGS.TS Mai Văn Trinh: Những đổi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đều hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc đi lại, giảm áp lực thi cử.
Nội dung kiến thức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 không có gì thay đổi so với những gì thí sinh đã định hướng và đã học trong 3 năm THPT. Vì vậy, các em học sinh hãy yên tâm tập trung học tập, bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa theo kế hoạch năm học thì các em sẽ có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
PV:Xin cảm ơn ông!/.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 không phải là tuyển chọn học sinh giỏi