Sáng 3/7, thí sinh dự thi môn Địa lý kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 với thời gian làm bài là 180 phút. Đề thi gồm 4 câu với 8 ý nhỏ.

Sau khi kết thúc thời gian làm bài, đa phần thí sinh nhận xét, đề thi năm nay không khó. Ở các hội đồng thi như: ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Xây dựng, nhiều thí sinh đã xin ra sớm. Lý do là vì một số em thấy đề thi vừa sức nên làm xong sớm. Một số em chỉ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, không xét vào các trường ĐH, CĐ nên làm được khoảng 2/3 thời gian là xin ra về.

Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi Địa lý năm nay không hề “trúng tủ” vì trong những năm gần đây, những câu hỏi nói về vấn đề biển đảo, lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền của Việt Nam, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ đất nước đều được đưa vào đề thi. Tuy nhiên, năm nay, những vấn đề này không được đưa vào đề.

thi_sinh_1_vov_chak.jpg
Thí sinh ra khỏi cổng trường sau khi hoàn thành xong bài thi môn Địa lý sáng 3/7

Thí sinh Bùi Thị Hiền, trường THPT Hà Đông, Hà Nội ngậm ngùi bày tỏ: “Em học kỹ vấn đề biển đảo, tình hình Biển Đông nhưng đề thi Địa lý lại không ra. Còn vấn đề xâm nhập mặn và sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến phát triển kinh tế-xã hội, em lại không để ý đến nên chỉ làm được chưa đến 2/3 bài thi.

Hơn nữa, trong đề thi có câu hỏi kể tên các khu kinh tế ven biển ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là câu hỏi tưởng là dễ nhưng rất dễ nhầm lẫn nếu như thí sinh không xem xét kỹ bản Atlat Địa lý.

Cũng cùng với nhận xét trên, thí sinh Bùi Tiến Đạt, ở Quốc Oai, Hà Nội cho biết: “Em làm chưa hết bài thi vì còn câu hỏi về tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Phần câu hỏi về kinh tế trọng điểm miền Trung rất dễ nhầm lẫn và như là câu hỏi thử thách sự cẩn thận, tinh ý của thí sinh. Vì thế, nếu ai không chú ý thì dễ bị mất điểm câu này”.

Thế nhưng, khác với những thí sinh làm bài thi chưa trọn vẹn thì cũng có nhiều thí sinh làm được hết hay thậm chí thích thú với đề thi Địa lý năm nay.

Thí sinh Bùi Tiến Đạt, ở Quốc Oai, Hà Nội, dự định xét tuyển vào ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh cho biết, đề thi năm nay không đề cập đến vấn đề biển đảo nhưng lại đề cập đến chủ đề xâm nhập mặn và ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây là hai chủ đề mang tính thời sự, gắn với đời sống xã hội nên sẽ khắc phục được tình trạng “học tủ, học lệch”.

Đề thi cũng sẽ giúp thí sinh có tư duy, gắn kiến thức và lý thuyết với các vấn đề xã hội đang được người dân quan tâm.

Hứng thú với đề thi Địa lý năm nay, thi ssinh Nguyễn Nam Hải, trường THPT Đống Đa, Hà Nội hồ hởi khoe: “Em làm được hết đề thi và cảm thấy rất thích thú với vấn đề xâm nhập mặn và câu hỏi biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của nước. Đây là những chủ đề được các phương tiện truyền thông đưa rất nhiều.

Thường xuyên xem chương trình thời sự vào buổi tối nên em có nhiều thông tin về tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Còn câu hỏi biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học của nước, em cũng đọc nhiều sách báo và xem nhiều chương trình khoa học ở trên tivi nên làm bài một mạch cho đến hết thời gian. Kiến thức của em phủ đầy 2 tờ giấy thi”.

Chiều cùng ngày, thí sinh thi môn Hóa học với thời gian làm bài là 90 phút./.