Những ngày qua, các thầy cô giáo băng rừng, lội suối, bám bản làng để vận động học sinh đến trường, góp phần đẩy nhanh mục tiêu phổ cập giáo dục tại vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh.

Những ngày qua, các thầy, cô giáo tại trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ tất bật dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, đồng thời “băng rừng, lội suối” đi đến từng nhà trong bản nhằm vận động học sinh đi học trở lại.

Đồn Đạc là xã vừa thoát ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn trong năm nay. Nơi đây chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống, địa hình đồi núi chia cắt, dân trí thấp, chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp nên còn không ít khó khăn. Người dân còn có quan niệm cái ăn cái mặc còn lo chưa đủ nên con em chỉ cần biết mặt chữ là được, thời gian còn lại thì theo bố mẹ đi làm kiếm tiền.

Vừa vận động học sinh, các thầy cô giáo vừa phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh. Thầy giáo Nguyễn Hữu Phương cho biết, có những buổi chiều đi lại rất mệt. Đến nhà gặp phụ huynh thì phụ huynh lại rót cho cốc rượu thay nước, không uống thì không nói chuyện được mà uống vào thì không đảm bảo sức khỏe.

“Có những bậc phụ huynh khi mình đến vận động mà đang ở trạng thái say rượu, mình chưa kịp nói thì người ta đã muốn đuổi mình ra khỏi nhà rồi. Những hôm đấy chúng tôi lại đành phải đi về và đến lại vào hôm sau. Có nhiều phụ huynh còn không muốn cho con em mình đi học, họ vẫn đồng ý nhưng hôm sau lại chẳng thấy đưa con em ra trường”, thầy Phương chia sẻ.

Như mưa dầm thấm lâu, sự kiên trì của các thầy cô giáo khiến học sinh và phụ huynh dần thay đổi nhận thức. Thương các thầy cô vất vả, nhiều em học sinh không còn chạy trốn lên nương lên rẫy nữa.

“Em mong các bạn sẽ đi học đầy đủ vì thầy cô đi vận động các bạn rất khó khăn. Em sẽ bảo các bạn phải đi học vì học là cho mình chứ không phải cho thầy cô. Đi học có bằng cấp để sau này tìm việc làm”, Triệu Tâm Như, 12 tuổi, học sinh lớp 6 nói.

Các thầy, cô giáo ở trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2 vừa dạy chữ, vừa trực tiếp chăm lo cho các em học sinh của mình. Đôi khi chỉ là 2-3 cân gạo hoặc sách vở, bộ quần áo mới cũng là nguồn động viên để sinh hoạt của các em bớt khó khăn hơn. Không quản nắng mưa, các thầy cô vẫn lặn lội vượt cả chục km đường rừng chỉ để đưa đón học sinh đến trường.

Từ ngày 1/7/2021, Đồn Đạc được công nhận ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Vậy nên học sinh sẽ không còn được hỗ trợ 15 kg gạo mỗi tháng, 40% tiền ăn theo mức lương cơ sở. Đây cũng là một thách thức không nhỏ. 

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định miễn toàn bộ học phí trong năm học 2021-2022 cho học sinh các cấp. Điều này đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình tại đây, công tác vận động phụ huynh cho các em đến trường cũng đỡ vất vả hơn.

“Khi được miễn 100% học phí, tinh thần của học sinh và phụ huynh rất phấn khởi. Điều này sẽ giúp việc học tập của các em tại trường tốt hơn. Các em sẽ chú tâm vào học hành. Phụ huynh cũng không phải lo về vấn đề đóng tiền học phí cho các em bởi điều kiện kinh tế nơi đây vẫn đang rất khó khăn”, thầy Hoàng Văn Sằn, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Đồn Đạc 2 cho hay.

Huyện Ba Chẽ có 1 thị trấn và 7 xã với hơn 6.600 học sinh các cấp. Việc vận động học sinh ra lớp ở các vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phổ cập giáo dục, từng bước nâng cao dân trí, đời sống cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh việc hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo thì cũng cần có những hỗ trợ riêng cho mục tiêu phổ cập giáo dục nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, huyện đã nắm bắt tình hình học sinh ra lớp.

“Ngay từ khi trả phép, các nhà trường đã cùng với xã xuống thôn bản thăm hỏi gia đình học sinh, thực hiện công tác phổ cập. Qua công tác nắm bắt, chúng tôi sẽ xác định những học sinh khó khăn trong việc ra lớp để đề xuất cũng như là có những giải pháp hỗ trợ từ nguồn của huyện, nguồn xã hội hóa”, bà Oanh cho hay.

Hành trình  đến trường đến lớp của học sinh vùng cao Ba Chẽ còn lắm gian nan nhưng với sự nhiệt huyết, trách nhiệm của những người “ươm mầm xanh”, các thầy, cô giáo tại đây vẫn kiên trì bám bản làng vì mục tiêu học sinh trong độ tuổi được đến trường. Sự quan tâm của địa phương đối với công tác giáo dục sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để Ba Chẽ tiến tới hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh./.