Ngay từ cuối tháng 9, cô Phạm Thị Bích Thảo, giáo viên môn ngữ văn cùng các thầy cô các bộ môn khác ở trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn đã miệt mài phụ đạo kiến thức miễn phí cho toàn bộ 338 học sinh khối 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Trong đó, gần 50% số học sinh có lực học dưới trung bình được thầy cô dành thời gian phụ đạo thêm vào buổi chiều hằng ngày và hơn 1 tháng nay khi kỳ thi cận kề thì tăng cường cả buổi tối.

Theo cô giáo Phạm Thị Bích Thảo, riêng với bộ môn Văn, nhà trường hiện còn khoảng 80 học sinh yếu. Môn văn là môn đặc thù phải nghe, nói, đọc, viết thành thạo, trong khi đó học sinh ở đây phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều em phát âm chưa chuẩn.

Thầy cô ngoài truyền tải kiến thức, còn phải tỷ mỉ dạy các em biết cách đọc hiểu văn bản mới có thể làm bài thi tốt. Lo lắng cho trò, mong muốn các em thi đỗ tốt nghiệp để có tương lai tốt hơn là động lực để mỗi thầy cô ở đây không kể sáng tối, mưa nắng, khắc phục khó khăn, bố trí sắp xếp công việc gia đình để tới trường ôn luyện cho các em mà không nhận đồng thù lao nào.

“Các em học sinh ở đây 95% là con em đồng bào dân tộc, điều kiện của các em rất khó khăn thiếu thốn. Nên khi đứng trước các em học sinh, chúng tôi luôn coi các em như con của mình. Và chúng tôi cũng dành hết tình cảm, tâm huyết của mình giúp đỡ các em, mong muốn sau này các em có cuộc sống tốt đẹp hơn”, cô giáo Phạm Thị Bích Thảo chia sẻ.

Thầy giáo Kiều Anh Dũng, Hiệu phó Trường THPT Chu Văn Thịnh cho biết, học sinh của trường chủ yếu là con em đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú đến từ 12 xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện Mai Sơn. Vì thế, đối tượng tuyển sinh ngay từ đầu vào đã thấp, dưới mức trung bình của tỉnh.

Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức hạn chế, phụ huynh học sinh gần như phó mặc việc học hành của con em cho nhà trường và các em học sinh chưa có mục tiêu học tập. Để giúp các em, dù không có thêm thu nhập, nhưng các thầy cô giáo vẫn dành nhiều công sức cho việc phụ đạo, nâng dần kiến thức cho học sinh bằng cả tấm lòng và trách nhiệm người thầy.

“Tinh thần của các thầy cô tất cả vì nhiệm vụ và cũng là vì học sinh. Qua thời gian phụ đạo, tất cả các bộ môn phụ đạo có kiểm tra, đánh giá và xem xét chất lượng của học sinh qua từng thời gian một. Và nhà trường hiện nay vẫn đang tiếp tục duy trì phụ đạo cho các đối tượng học sinh, đặc biệt là học sinh yếu”, thầy giáo Kiều Anh Dũng cho biết thêm.

Cũng giống các thầy cô giáo ở trường THPT vùng cao Tông Lệnh, huyện Thuận Châu và trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn, 100% trường THPT và PT Dân tộc nội trú ở tỉnh Sơn La đã và đang tập trung phụ đạo kiến thức cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp, trong đó có nhiều lớp ôn thi miễn phí dành cho các em có học lực yếu.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 800 thầy cô giáo tham gia ôn thi miễn phí cho gần 9.000 học sinh tại hàng trăm lớp học, với khoảng 17.500 giờ ôn miễn phí.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Sơn La: Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh, đặc biệt phụ đạo kiến thức cho học sinh có học lực yếu đã góp phần đáng kể trong việc củng cố kiến thức cho các em, nâng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tại các trường, đặc biệt là các trường có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Minh chứng như năm 2019, toàn tỉnh có gần 2.800 học sinh trượt tốt nghiệp, thì năm 2020 con số này giảm xuống chỉ còn 532 em. Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, từng địa phương và ngành giáo dục, sự vào cuộc tích cực của các Ban Giám hiệu các trường, mỗi thầy cô giáo, tỉnh Sơn La phấn đấu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tốt hơn những năm học trước.

“Sở Giáo dục-Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường phân hóa ra các đối tượng học sinh khác nhau. Với những em học sinh nhiều nguy cơ trượt tốt nghiệp, ngoài việc học chung có thể chia thành các lớp để tiếp tục phụ đạo những kiến thức, những kỹ năng tối thiểu để các em có thể làm được bài thi. Việc phụ đạo cho học sinh được các nhà trường rất chủ động, linh hoạt. Chúng tôi khẳng định là qua thời gian phụ đạo trong cả một năm học, đặc biệt trong những tháng cuối cùng này, chất lượng của các em học sinh được nâng lên khá rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, tỉnh Sơn La có 11.460 thí sinh đăng ký dự thi. Với Giàng Thị Mê, dân tộc Mông, học sinh trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn cùng các bạn học sinh lớp 12, tấm lòng và trách nhiệm của thầy cô thực sự là nguồn cổ vũ, thôi thúc các em nỗ lực ôn luyện thật tốt, quyết tâm bước vào kỳ thi đạt kết quả cao.

“Em ở vùng sâu vùng xa, bố mẹ không biết chữ. Thầy cô đã dành cho chúng em rất nhiều thời gian. Thầy cô đã vất vả đi rất xa xuống đây dạy phụ đạo cho chúng em. Nên chúng em tự nhắc nhở bản thân mình phải nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng thầy cô”, Giàng Thị Mê bày tỏ quyết tâm của mình./.