Hơn một tháng qua, nếp sinh hoạt gia đình chị Phạm Đình Mai Khanh ở phường Lê Bình, quận Cái Răng có nhiều thay đổi do hai con trai của chị bắt đầu năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. Khoảng 6h sáng hàng ngày, chị Khanh đã lo xong bữa ăn sáng cho hai con để các con nhanh chóng hoàn tất các sinh hoạt cá nhân, ngồi vào bàn học khoảng 15 phút trước khi bắt đầu tiết học đầu tiên.
Chị Mai Khanh cho biết, trong thời gian các con học online, gia đình chị hạn chế tiếng ồn, nhường sóng wifi và sắp xếp chỗ học cho hai con ở hai nơi khác nhau, đảm bảo môi trường học tập riêng biệt.
“Hai bé chủ động học tập cũng hiệu quả khoảng 90% so với trên lớp. Tôi thấy con mình học được cái gì, không hiểu gì thì sẽ ghi lại để hỏi giáo viên sau. Các giáo viên trong trường của 2 con tôi học thì rất tích cực, hỗ trợ học online rất tốt”, chị Khanh cho hay.
Theo em Nguyễn Thiện Tâm, con chị Mai Khanh, học lớp 6A1, Trường THCS Trần Ngọc Quế, các buổi học trực tuyến, nhiều giáo viên đã linh hoạt công tác đánh giá học sinh theo phương pháp tự học, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức để tham gia các trò chơi nhỏ qua các ứng dụng phần mềm… Những đổi mới này khiến em rất thích. Từ đó, sau mỗi tiết học, em tự ôn lại kiến thức cũ và nghiên cứu, tìm hiểu các bài học mới trước khi tham gia lớp học.
Tương tự, em Lê Khúc Trúc Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Thới Lai chia sẻ, việc học trực tuyến ít nhiều rèn cho em cũng như các bạn có tính chủ động, tự giác, độc lập suy nghĩ và làm việc; đồng thời, có thêm nhiều kỹ năng, thao tác trong sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử và mạng internet. Học trực tuyến tuy nhiều điều thú vị, nhưng em Linh cũng gặp khó trong môn Thể dục. Theo em, thầy giáo có trình chiếu video một số bài tập động tác, giảng giải chậm rãi, tuy vậy rất khó quan sát để điều chỉnh động tác.
Nhiều động tác em có thể nắm được, nhưng động tác sai thì em không biết cách để sửa. Em cần phải lên mạng coi lại nhiều video của thầy sau những tiết học. Khi học online thì có một số vấn đề như có thể bị cúp điện hoặc mạng wifi yếu thì chúng em không thể bắt kịp bài vì bài rất dài, bị ngắt đoạn thì không thể hiểu nổi”, em Linh nói.
Kịp thời cập nhật khó khăn của học sinh, hầu hết các giáo viên đã chủ động xây dựng hệ thống thông tin với phụ huynh, học sinh qua mạng xã hội để kịp thời trao đổi tình hình dạy và học. Ở tại trường, các tổ bộ môn cũng thường xuyên họp đánh giá, để linh hoạt hơn trong việc triển khai dạy trực tuyến. Riêng Giáo dục thể chất, giáo viên các trường tại Cần Thơ thống nhất sẽ thiết kế, sưu tầm những bài vận động phù hợp với không gian tại nhà. Có video gửi lên phòng học trực tuyến theo nhóm lớp để học sinh tự tập luyện. Thầy và trò cũng nhau chỉnh sửa động tác vào các giờ học tiếp theo.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP Cần Thơ. Các phần mềm, ứng dụng được sử dụng chủ yếu là MS Teams, Zoom, Shub Classroom, Google Meet, K12online, Vioedu, VN Edu, Azota… Theo các thầy cô, để dạy và học trực tuyến thực sự đạt hiệu quả, thầy và trò, nhất là người thầy phải nỗ lực hơn so với giảng dạy trực tiếp. Ví như thầy Võ Tiến Đạt, giáo viên môn Vật lý, Trường THCS&THPT Trường Xuân, đã thực hiện video clip bài giảng gồm nội dung bài học trọng tâm, sau đó, trong đoạn video clip, thầy chèn thêm câu hỏi bằng âm thanh, hình ảnh… để thu hút học sinh.
“Việc chuẩn bị các đoạn ghi hình thực sự rất công phu, nhất là việc sử dụng các ứng dụng để ghi lại cách mình diễn đạt như thế nào trong đoạn clip cho các em hiểu rõ nhất, cô đọng nhất những nội dung chính để giúp các em hiểu bài chi tiết”, thầy Võ Tiến Đạt cho biết.
Sự “chuyển động tích cực” của thầy cô giáo Cần Thơ trong việc dạy học online đã rất rõ, học sinh cũng dần quen với việc trực tuyến, vấn đề ở đây là thành phố vẫn còn khoảng 2.000 học sinh thiếu thiết bị, đường truyền mạng internet; tâm lý xã hội vẫn còn xem dạy và học trực tuyến là hình thức tạm thời nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ cho biết, các chuyên gia, cán bộ quản lý ngành giáo dục, trường phổ thông đang tích cực đưa ra giải pháp để việc dạy và học trực tuyến đạt chất lượng như mong muốn. Những học sinh thiếu thiết bị, đường truyền để tham gia học tập, Sở đã chỉ đạo các trường gửi tài liệu đến tận nhà cho các em và phát huy mạnh mô hình “Thư viện thiết bị điện tử”.
“Nhà trường đã chủ động vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn, cũng như là cựu học sinh – những em thành đạt để hỗ trợ lại cho nhà trường, tài trợ “Thư viện thiết bị điện tử” giúp các em học sinh. Mặt khác, về phía Sở GD-ĐT thì cũng tham mưu với UBND thành phố có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, để vận động hỗ trợ các thiết bị thông minh cho học sinh. Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông, các công ty cũng như UB MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ về các thiết bị này”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa chia sẻ.
Năm học 2021-2022, TP Cần Thơ có khoảng 250.000 học sinh các cấp, có thể nói, việc chuyển đổi từ quản lý, dạy và học truyền thống sang học trực tuyến cũng là quá trình chuyển đổi số trong trường học. Khi đạt các yêu cầu về chất lượng giáo dục, hình thức này giúp học sinh phát huy tính chủ động, được trải nghiệm nhiều hơn qua tương tác trên môi trường số, nắm bắt kiến thức dễ dàng hơn. Đội ngũ giáo viên cũng dần được cải thiện năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục./.