Để thu hút và giữ chân người giỏi vào ngành Sư phạm, trong Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng và quan tâm nhiều hơn hơn đến đời sống của nhà giáo, để họ có thể sống được bằng nghề và chuyên tâm vào giảng dạy. Một lần nữa, vấn đề này chính thức được Bộ GD-ĐT yêu cầu Hội Cựu Giáo chức Việt Nam nghiên cứu thêm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ VII khóa II (năm 2009-2014) diễn ra sáng 26/2 tại Hà Nội.

Cách đây 17 năm, kết luận của Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chỉ đạo, lương của giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương các ngành sự nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, lương của giáo viên đang được xếp là đứng thứ 14 trong bảng lương các ngành sự nghiệp.

Chính vì lương thấp nên nhiều giáo viên không muốn bám trụ với nghề. Số lượng người còn bám trụ với nghề phải tìm cách dạy thêm để tăng khoản thu nhập. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan, không kiểm soát nổi và cũng là lý do giải thích vì sao chương trình học tập của học sinh hiện nay bị nhồi nhét quá nhiều.

Theo thống kê của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trong năm 2012, có đến 50% giáo viên cho biết, nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề sư phạm.

thu-truong-ga.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Cần có thêm nhiều chính sách để thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm và giáo viên bám trụ với nghề

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thời gian qua, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam đã tham vấn cho Bộ GD-ĐT để gửi lên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 52/2013 về việc giải quyết chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nói chung và chế độ độ trợ cấp thâm niên cho nhà giáo không có thâm niên nói riêng; kiến nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về chế độ cho nhà giáo nghỉ hưu chưa có chế độ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 141/2013 về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH, trong đó nhấn mạnh đến việc ưu đãi cho những nhà giáo có học vị tiến sĩ và học hàm giáo sư, phó giáo sư kéo dài thời gian làm việc sau khi nghỉ hưu. Theo đó, nhà giáo có học vị tiến sĩ được kéo dài thời gian làm việc ở trường ĐH là 5 năm, phó giáo sư là 7 năm, giáo sư là 10 năm.

Tuy nhiên, để phát huy nguồn lực và thu hút những nhà giáo giỏi yên tâm giảng dạy cũng như bổ sung một lượng lớn cán bộ, giảng viên giỏi cho các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga yều cầu Hội Cựu Giáo chức Việt Nam cần có thêm nghiên cứu để giúp Bộ triển khai những giải pháp ưu tiên đối với nhà giáo một cách hiệu quả. Việc làm này nhằm thúc đẩy chất lượng giảng dạy ở các cấp học.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, Bộ GD-ĐT cũng sẽ chú trọng đến nâng cao đời sống, ưu tiên nhiều hơn cho những nhà giáo làm việc ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn; tạo điều kiện cho nhà giáo tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học; có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có năng lực phù hợp vào ngành Sư phạm. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất tăng lương cho giáo viên trong bảng lương các ngành sự nghiệp./.