Giáo sư Bùi Hồng Thủy, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực công nghệ sinh học tại Đại học Konkuc, Seoul, Hàn Quốc trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về giáo dục, chị tâm sự có rất nhiều trăn trở.

Chị nhận xét rằng, học sinh Việt Nam tại trường Konkuc và ở những trường trên thế giới mà chị đã giảng dạy đều rất thông minh, sáng tạo, chăm chỉ và được Giáo sư nước ngoài đánh giá khá cao. Nhưng vì sao ở trong nước họ chưa phát huy được khả năng của mình, cũng bởi môi trường còn nhiều rào cản, nhất là về cách học, cách giảng dạy ở Việt Nam.

thuy-2.jpg
Giáo sư Bùi Hồng Thủy (phải) và các nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đại học Konkuc (Hàn Quốc)

GS Thủy cho rằng, cách giảng dạy ở Việt Nam chủ yếu dựa trên lý thuyết là chính, học sinh ít được tiếp xúc với thực tế. “Một số giảng viên ở các trường Đại học trong nước sang đây giảng bài, họ yêu cầu không dùng giáo án điện tử (slide) mà giảng theo cách vẫn phổ biến ở Việt Nam là dùng bài giảng. Cách giảng như vậy ở đây không sử dụng nữa. Thường các giảng viên ở Hàn Quốc phải thức trắng đêm để soạn giáo án điện tử. Giảng bằng slide, sinh viên đều nói rằng rất dễ hiểu, dễ nhớ, khi nhắm mắt lại họ cũng có thể tưởng tưởng ra bài giảng. Cách này cũng rất tiện, sinh viên có thể download (tải về) bài giảng về và mở nghe bất cứ lúc nào.

“Ngày trước, ở Việt Nam tôi đã thấy việc học rất vất vả, đến bây giờ sau mấy chục năm, các em vẫn học vất vả như vậy, không có gì thay đổi. Thời còn học Đại học, tôi phải học những cuốn sách rất dày, bây giờ nhớ lại vẫn còn rùng mình. Còn con gái tôi hiện đang học cấp 3 ở Hàn Quốc, cháu học rất nhàn, không có những cuốn sách dày như thế. Cháu vào mạng Internet nó download những bài giảng của thầy. Tất cả các bài giảng đều bằng slide, nhìn hình slide là học sinh có thể hiểu và nhớ ngay nội dung đã học. Ngoài học các môn văn hóa, con gái tôi cũng như hầu hết trẻ con ở đây học các môn như: nhảy, đàn, vẽ hoặc các môn nghệ thuật khác… Vì thế trẻ con được phát triển một cách tổng thể, hài hòa”- GS Thủy tâm sự.

Sinh viên chấm điểm thấp, thầy giáo có thể bị mất việc

Chị Thủy kể rằng, ở trường Đại học Konkuc, sinh viên có “quyền” rất lớn trong việc chọn môn học, thầy dạy. Học sinh sẽ là người chấm điểm thầy giáo. Chẳng hạn quy định một lớp có 20 sinh viên, nhưng nếu lớp đó chỉ có 18 học sinh đăng ký học, thì đương nhiên không đủ chỉ tiêu và thầy giáo không được dạy. Trong 2 năm liên tiếp xảy ra tình trạng như vậy thì thầy giáo sẽ mất việc.

Một điểm nữa là trong quá trình thầy giáo dạy học, học trò sẽ chấm điểm thầy. Ai được 60% học trò đánh giá đủ tiêu chuẩn thì sẽ được tiếp tục dạy học. Hoặc còn cách chấm điểm theo thang A, B, C, D. Nếu thầy giáo mà lúc nào cũng bị học trò chấm thang điểm D, thì nhà trường cũng xem lại và nhiều khi họ gặp rắc rối trong công việc.

GS Thủy cho biết, khi nhà trường giao cho giảng viên dạy môn nào, thì người đó phải tự soạn bài giảng cho môn học, chứ không phải tuân theo một đề án do nhà trường hay do Bộ quy định. Vì vậy nếu giảng viên không nghiên cứu chuyên sâu vào bài giảng của mình, học sinh không hiểu, họ sẽ chấm điểm thấp cho giảng viên là điều hiển nhiên. “Mọi sự cố gắng của cả thầy và trò đều được đánh giá hết sức công bằng. Kể cả việc thầy soạn slide như thế nào, tạo điều kiện cho sinh viên như thế nào cũng được đánh giá. Với cách chấm điểm như vậy, người thầy sẽ tự thấy mình phải cố gắng dạy thật tốt”- GS Thủy nói.

Ngoài việc giảng dạy, giảng viên phải làm cả công việc nghiên cứu. “Ở đây người ta đánh giá Giáo sư qua các bài nghiên cứu đăng trên các tờ báo chuyên ngành uy tín. Trong một năm ít nhất người thầy phải có một bài nghiên cứu đăng báo, còn nếu không có thì thầy sẽ gặp khó khăn trong công việc, có thể nhà trường sẽ không ký tiếp hợp đồng, như vậy thầy sẽ bị mất việc. Vì thế ở đây cả trò đều phải luôn không ngừng cố gắng”- GS Thủy chia sẻ.  

GS Thủy cho biết, ngoài cách học sinh đánh giá thầy giáo, nhà trường còn đặt các camera quay lại các buổi giảng bài của thầy. Theo định kỳ họ sẽ đem các phần quay lại đó ra kiểm tra, đánh giá về cách giảng của thầy. Nếu thầy giáo dạy không tốt, nhà trường sẽ phản hồi ngay với giáo viên đó.

“Theo tôi, giáo dục trong nước phải thay đổi cách giảng dạy, không thể giữ mãi cách dạy như cũ. Thầy giáo cũng phải đổi mới cách soạn giáo án, chứ không thể cứ soạn theo sách giáo khoa. Với cách dạy này chắc chắn học sinh sẽ chỉ học chủ yếu là lý thuyết mà không hiểu được bản chất vấn đề. Mình phải học tập kinh nghiệm hay của các nước thì mới phát triển được”- Chị Thủy chia sẻ./.