Thực tế ở TP. Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương khác, có cơ sở giáo dục tiểu học không hề liên quan đến quốc tế nhưng vẫn xin đặt tên có gắn chữ “quốc tế”.
Đại diện Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ (VPCP), cho biết hiện tại chưa có quy định nào về việc gắn chữ “quốc tế” với tên trường, kể cả trong Điều lệ trường đại học được ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế trường đại học tư thục cũ ban hành theo Quyết định số 61/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về việc này, đại diện Vụ Pháp luật, VPCP cho rằng, việc dùng chữ “quốc tế” gắn với tên trường hiện nay, như trường hợp Đại học Hồng Bàng tại TP Hồ Chí Minh đổi tên thành Đại học quốc tế Hồng Bàng, tuy không phạm luật nhưng dễ gây ra sự hiểu lầm về chất lượng đào tạo quốc tế.
Trong khi theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục-Đào tạo thì các cơ sở giáo dục đại học quốc tế ở Việt Nam phải đảm bảo tối thiểu 3 yếu tố sau: Giảng viên quốc tế, sinh viên quốc tế và môi trường quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với VPCP rà soát lại tính pháp lý của việc đặt tên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đồng thời tham khảo ý kiến các Bộ, ngành, một số địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để chỉnh sửa và cụ thể hóa điều 3 Quyết định 153/2003/QĐ- TTg ngày 30/7/2003 về nguyên tắc đặt tên cho các trường đại học.
Cuối tháng 11/2009, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan để kết luận cụ thể và đề ra một số quy định nhằm thống nhất việc đặt tên cho các cơ sở đào tạo ở Việt Nam từ mầm non đến đại học. Ngay trong năm 2009, Chính phủ sẽ có những quy định chặt chẽ, cụ thể, thống nhất với các địa phương để chấn chỉnh kịp thời việc đặt tên cho các cơ sở giáo dục trên cả nước, để người dân không hiểu nhầm đồng nhất tên gọi “quốc tế” với chất lượng đào tạo tầm cỡ quốc tế của các cơ sở giáo dục đào tạo như hiện nay./.