Thời điểm này, hầu như các thí sinh đều tận dụng thời gian triệt để nhằm củng cố lại kiến thức phổ thông. Mỗi em có một kế hoạch riêng để ôn tập. Nhiều bạn ngoài giờ học ôn tập trên lớp còn đi học thêm ở ngoài, các lớp trên mạng...

Em Nguyễn Huy Quang, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai - Hà Nội cho biết: “Sắp đến kỳ thi rồi, em rất lo lắng. Không biết là năm nay, Bộ sẽ ra đề như thế nào, mức độ khó của đề có hơn năm trước không. Ở trường có tổ chức học thêm để học sinh ôn tập lại kiến thức từ đầu năm và ở các năm trước.  Em cũng đi học thêm ở ngoài để tự trau dồi kiến thức cho mình. Học ban ngày như thế, ban đêm cũng phải thức để cố ôn tập lại các kiến thức học từ các năm lớp dưới để có thể có được một kết quả tốt nhất cho kỳ thi này”.

Các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang tích cực tập trung ôn tập cho học sinh theo các môn đã đăng ký và kiểm tra hằng ngày, để bổ sung những kiến thức còn thiếu. Nhiều trường huy động toàn bộ giáo viên bộ môn để ôn luyện cho học sinh. Do cấu trúc đề thi năm nay có sự thay đổi nên các trường bên cạnh việc ôn tập còn tổ chức nhiều đợt thi thử để học sinh có dịp cọ sát với đề thi. Tại trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, qua kết quả các đợt thi thử làm theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh làm bài đạt từ 85% đến 90%, thấp hơn so với những năm trước.

Ông Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh cho biết: “Chúng tôi bảo đảm là để cho các em không phải đi ra ngoài luyện thi. Em nào có nguyện vọng thi môn nào thì đều được học môn đấy dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo bộ môn. Thầy trò cùng làm việc, cùng ôn nên kế hoạch với nhau trong lớp. Ví dụ đoạn này ta ôn đến đoạn này, chương này, chương này rồi lần sau đến để  kiểm tra lại. Em nào chưa đạt yêu cầu thì về ôn thêm cái phần đấy”.

Các chuyên gia tâm lý giáo dục khuyến cáo, càng gần thời gian thi, học sinh càng cần được nghỉ ngơi, tránh ôn tập quá sức sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và gây tâm lý áp lực sẽ không làm bài đạt được kết quả như mong muốn.

Chia sẻ kinh nghiệm làm bài tốt khi đi thi, theo sinh viên Vũ Trọng Nghĩa, 1 trong 7 thủ khoa của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2014, với thời gian này, thí sinh cần tổng hợp lại toàn bộ kiến thức và nên học vào những lúc tâm trí thoải mái nhất. Để có thể đạt kết quả cao trong các bài thi, thí sinh nên làm bài từ dễ tới khó: “Cách làm tốt nhất để đạt điểm cao, đó là trước khi làm bài chúng ta có 15 phút để đọc đề sẽ định hướng được trước đề như thế nào. Sau đó ưu tiên làm các câu dễ trước. Việc làm các câu dễ trước rất lợi về tâm lý. Đó là giả sử một đề thi trắc nghiệm 90 phút mình làm được 1 phần 3 thời gian mà đã xong được một nửa đề rồi thì cảm giác về tâm lý rất thoải mái. Sau đó bắt đầu chuyển những câu khó hơn”./.