Từ ngày 1 đến 4/7, hơn 887.000 thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Đây là năm thứ 2, Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà

Có thể nói, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đã giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà ở các địa phương, vùng miền xa xôi khi phải lên các tỉnh, thành phố lớn tham dự kỳ thi. Đó là năm nay, Bộ GD-ĐT tiến hành tổ chức các cụm thi ĐH ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng cộng 120 cụm thi (50 cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT chủ trì và 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì).

Công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi đã được đảm bảo bằng việc các cụm thi tăng cường số lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ phối hợp với các địa phương làm công tác coi thi như bố trí ít nhất 50% số cán bộ là giảng viên các trường ĐH, CĐ giám sát tại mỗi điểm thi.

Riêng Bộ GD-ĐT đã thành lập 14 đoàn thanh tra cùng với các địa phương, trường ĐH chủ trì đi kiểm tra công tác coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

thi_sinh_6_vov_gujq.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016

Đề thi phát huy tính sáng tạo, tư duy của thí sinh

Đề thi luôn được thí sinh, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhất. Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh, có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THTP và xét tuyển ĐH, CĐ.

Đặc biệt là đối với đề thi môn Lịch sử có nhiều câu hỏi gắn giữa lý thuyết và liên hệ với các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước. Cách thức ra đề theo hướng này được thí sinh và xã hội đánh giá cao, góp phần giảm tải được tình trạng “học tủ, học vẹt”, thầy đọc –trò chép; đồng thời giúp các trường học thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền tải kiến thức nặng nề sang hướng phát huy năng lực, tư duy của học sinh với các vấn đề của đời sống xã hội.

Nhìn chung, đề thi của tất cả các môn thi THPT Quốc gia năm 2016 đều được bảo mật tuyệt đối, nghiêm túc. Những thông tin thất thiệt về việc lộ đề thi môn Ngữ văn đã Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan công an nhanh chóng điều điều tra, làm rõ và thông tin kịp thời để tránh gây hoang mang, lo lắng cho thí sinh và xã hội.

Đề thi Ngữ văn nếu có sự đối chiếu, so sánh kỹ sẽ không gây ra tranh luận

Bên cạnh những mặt tích cực, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cũng bộc lộ những mặt còn hạn chế. Đó là việc ra đề thi môn Ngữ văn đã khiến xã hội có sự tranh luận xung quanh một câu thơ trong bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Trang 1 của đề thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã thông tin chính thức về lấy ngữ liệu chính thức từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985 khi nhà thơ Lưu Quang Vũ còn sống, là cuốn thơ có độ tin cậy cao, chính xác nên hoàn toàn dùng để làm đề thi môn Ngữ văn cho kỳ thi THPT Quốc gia nhưng dư luận xã hội vẫn cảm thấy cách thức ra đề như vậy chưa có sự kiểm tra, đối chiếu kỹ lưỡng.

Bởi vì hiện nay, trên cả nước đang song hành nhiều cuốn sách, tập thơ do các nhà xuất bản khác nhau, trong đó có quyển “Ôn tập môn Ngữ Văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia (Tập một) do chính Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, học sinh có thể tiếp cận với câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” nhiều hơn là câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” ở trong cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 1985. Do đó, dư luận rất dễ nhầm lẫn và có sự tranh luận khác nhau về đề thi môn Ngữ văn.

Nếu như trước khi ra đề thi, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia 2016 có sự kiểm tra, đối chiếu và so sánh bài thơ “Tiếng việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ giữa các năm xuất bản để quyết định ra đề thi cho phần Đọc hiểu thì có lẽ sẽ không xảy ra sự tranh luận về đề thi môn Ngữ văn trong xã hội.

Có thể nói, kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 là ngành Giáo dục mới chỉ đi được 1/3 chặng đường vì sau khi tổ chức thi xong, các hội đồng, cụm thi sẽ bắt tay vào việc chấm bài và các trường ĐH, CĐ còn tiếp tục thực hiện công tác xét tuyển.

Thí sinh và cả xã hội vẫn đang mong chờ vào việc công bố điểm thi không bị rơi vào cảnh “nghẽn mạng”. Công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm nay không phải đặt thí sinh vào tình thế như “tiến thoái lưỡng nan” như năm 2015./.