Đề thi Ngữ văn khối C, D của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014 được đánh giá là có sự đổi mới, khá hay, có tính phân loại cao. Phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn nhà văn, PGS.TS, chuyên viên cao cấp Vũ Nho, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Đề thi khá hay!

PV:
Xin ông cho biết ý kiến, nhận định về đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thiđại học năm nay? Đề thi môn Ngữ văn so với đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và đề thi đại học năm 2013 có sự khác biệt gì không, thưa ông?

Nhà văn Vũ Nho:
Cần phải nói tổng quát về sự khác biệt giữa đề thi tuyển vào đại học và đề thi tốt nghiệp THPT. Sau đó mới so sánh cụ thể sự khác biệt của đề thi đại học và đề thi tốt nghiệp THPT của năm nay.

Đề thi tốt nghiệp là đề thi dành cho tất cả học sinh phổ thông, yêu cầu của nó là cơ bản và phổ thông.Vì vậy, độ khó của nó là vừa phải, sao cho mọi học sinh đã học qua chương trình đều có thể đạt điểm trung bình trở lên để đỗ tốt nghiệp.

Trong khi đó, đề thi đại học là đề thi tuyển. Đề thi này chỉ dành cho các em học Khá, giỏi, có xu hướng theo đuổi ngành nghề có liên quan đến văn chương. Vì thế, bao giờ độ khó của nó cũng cao hơn đề thi tốt nghiệp. Mặt khác là đề thi tuyển, nên độ phân hóa của nó càng cao càng tốt. Không cần phải để cho tất cả người thi đạt điểm trung bình. Vì thi tuyển, cho nên chỉ lấy từ điểm cao xuống điểm thấp hơn đến khi vừa đủ số chỉ tiêu thì dừng lại. Do đó sẽ có trường hợp người thi đạt điểm 6, điểm 7 vẫn có thể bị rớt, nếu số điểm từ 7,5  đến 10 đã đủ chỉ tiêu tuyển.

nha_van_vu_nho_krhf.jpg 

Nhà văn Vũ Nho

So sánh đề thi tốt nghiệp và đề thi đại học năm nay, sự khác biệt đầu tiên là đề thi tốt nghiệp chỉ có hai câu, thời lượng làm bài 120 phút. Trong khi đó đề thi đại học khối C và khối D đều có 3 câu, thời lượng làm bài là 180 phút.

Đề thi đại học có 1 câu về đọc hiểu văn bản (2 điểm), 1 câu  nghị luận xã hội (3 điểm) và một câu nghị luận văn học (5 điểm). Trong khi đề thi tốt nghiệp thì 1 câu gồm cả đọc hiểu văn bản, kết hợp với nghị luận xã hội (3 điểm); 1 câu nghị luận văn học (7 điểm).

Mức độ yêu cầu của đề thi đại học cao hơn, người dự thi phải độc lập bày tỏ quan điểm, phải bình luận các ý kiến khác nhau được nêu ra trong đề mà không có gợi ý trước.

Thí sinh cần có tư duy tốt khi làm phần nghị luận xã hội

PV

:
Ông có thể đưa ra những đánh giá, nhận xét cụ thể về phần Nghị luận văn học và nghị luận xã hội trong đề thi?

Nhà văn Vũ Nho:
Với đề thi khối C, câu nghị luận xã hội đòi hỏi người dự thi phải bày tỏ quan niệm của mình về kẻ mạnh. Câu văn trích trong tác phẩm “Đời thừa” đã  nói rõ điều đó. Một con người cụ thể, không thể cậy mạnh, dẫm lên vai, chà đạp lên người khác. Ngược lại, kẻ mạnh là người sẵn sàng giúp người khác, nâng người khác trên đôi vai mình. Đó là một quan niệm đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với tinh thần khoan dung của thế giới. Suy ra một quốc gia cũng thế, không thể cậy mạnh, cậy giàu, ăn hiếp các nước láng giềng và hành xử chỉ thỏa mãn tính ích kỉ của mình. Sức mạnh chân chính là ở lẽ phải, lòng khoan dung, sự giúp đỡ. Người làm bài có thể  lấy ví dụ  trong cuộc sống, liên hệ về hành động ngông cuồng của Trung Quốc khi cậy mạnh, đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là một đề hay.

Phần nghị luận văn học, đề đưa ra hai ý kiến khác nhau về vẻ đẹp nổi bật và vẻ đẹp bề sâu. Cả hai ý kiến đều đúng, tổng hợp lại thì mới thành nhận định đầy đủ về hình tượng sông Hương. Người viết cần định hướng như thế để bình luận thì bài viết mới hoàn chỉnh.

Với câu nghị luận xã hội của Đề thi khối D. Đây là một quan niệm thoạt xem thì có vể rất hiện đại. Nhưng nếu xem xét kĩ thì việc cống hiến hết mình là đúng, nhưng còn hưởng thụ tối đa thì không hẳn là đúng. Bởi vì giữa cống hiến và hưởng thụ không phải lúc nào cũng ở mức tương đương. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, sự hưởng thụ nhiều khi không thỏa mãn ở mức tối đa. Tinh thần của con người chân chính là cống hiến hết mình, còn hưởng thụ thì tùy thuộc hoàn cảnh, nếu chưa được cao, chưa được tốt thì không phải vì thế mà không cống hiến hết mình. Phải nghĩ đến cống hiến trước, rồi sau mới là hưởng thụ. Mà mức độ hưởng thụ thì không thể bất chấp hoàn cảnh đòi hỏi tối đa.

Câu nghị luận văn học trong đề thi khối D, đề đưa ra hai quan điểm khác nhau, bắt buộc người viết phải lựa chọn một nhận định đúng đắn đề bình luận. Muốn thế, chẳng những phải nắm vững bài thơ của Thanh Thảo, mà còn phải nắm rất vững tiểu sử của Lor-ca. Đây cũng là một cách yêu cầu cao đối với người thi.

Đề có sự thay đổi nhưng không rõ như đề tốt nghiệp THPT

PV:
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thay đổi Đề thimôn Ngữ văn. Ý kiến của ông về cách thức đổi mới môn học này?

Nhà văn Vũ Nho:
Bộ GD-ĐT chọn khâu thi cử để đột phá khi thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục nước nhà. Thật sự là đã có những khác biệt so với trước. Nhưng theo tôi không quá khác biệt. Trở lại đề thi tốt nghiệp THPT so với đề năm trước, tôi đã nói là khác ở chỗ: trước thí sinh phải làm 3 câu, giờ chỉ phải làm 2. Trước đây thí sinh phải làm đề nghị luận văn học, một đề nghị luận xã hội  dung lượng  nhỏ hơn) và một câu hỏi về chi tiết tác giả hoặc tác phẩm. Bây giờ chỉ làm hai đề về nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Tất nhiên, trong đề nghị luận xã hội, người thi còn phải trả lời về phong cách ngôn ngữ văn bản, hiệu quả diễn đạt, nhưng đây chỉ là câu hỏi phụ. Theo ý tôi, đề thi tốt nghiệp có khác, nhưng không quá khác biệt là một hướng đổi mới đúng, chắc chắn.

Về đề thi đại học, cấu trúc vẫn tương đương với đề thi năm trước. Có một điểm khác là những năm trước có 2 câu dành cho chương trình nâng cao và không nâng cao, người thi học chương trình nào thì thi câu dành cho chương trình đó. Năm nay, người ra đề đã chọn phần chương trình trùng nhau là chính, và nếu có thì chỉ là dẫn câu nói  ở tác phẩm chưa học (Ví dụ tác phẩm “Đời thừa”, các em học chương trình chuẩn không học). Nhưng đó chỉ là văn liệu để hướng đến việc suy nghĩ của người thi về phẩm chất của kẻ mạnh.

Đối với  câu hỏi 2 điểm, cũng có một nét mới, đó là có 3 câu hỏi nhỏ về phương thức biểu đạt, phương thức tu từ và câu hỏi về nội dung chính của đoạn văn bản được trích.

Có thể nói rằng, nếu so sánh đề thi đại học môn Ngữ văn năm nay với năm trước thì đã có sự khác biệt, nhưng không rõ bằng đề thi tốt nghiệp THPT. Và theo ý tôi, đây là việc đổi mới thận trọng, cần thiết, không gây xáo trộn lớn. Với chương trình sách giáo khoa giảng dạy Ngữ văn như hiện nay, không thể đột ngột thay đổi. Đột ngột thay đổi trong giáo dục là phiêu lưu. Mọi việc thay đổi cần điễn ra trong lộ trình, được chuẩn bị tốt cả hai phía người dạy và người học, cũng như là trong dư luận xã hội.

PV:
Bộ GD-ĐT đang hướng tới 1 kỳ thi quốc gia chung với 4 bài thi. Trong đó, 1 bài thi có thể bao gồm những câu hỏi của nhiều môn (Ví dụ bài thi thứ nhất gồm câu hỏi của các môn Xã hội như: Văn, Sử, Địa). Ông có thể đóng góp về đề thi có thể ra theo hướng này như thế nào?

Nhà văn Vũ Nho:
Tôi chưa rõ chủ trương này đang được nghiên cứu hay đã được phê duyệt để thực hiện. Cũng chưa biết 4 bài thi ấy có tên là những bài gì. Nếu bài thi (tạm gọi là khoa học xã hội) có các câu hỏi của Văn, Sử, Địa thì cũng không phải là cái gì đổi mới quá mức. Chẳng qua là gom ba môn vào một mà thôi. Còn 3 bài thi kia có lẽ khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Toán, Ngoại ngữ chăng? Nếu thế thì quá nặng nề để thi tốt nghiệp THPT, mà cũng chưa chắc đã tốt cho việc tuyển sinh đại học. Chưa có  gì cụ thể về 4 bài thi trong 1 kì thi quốc gia chung.

PV:
Xin cảm ơn ông!./.