Chiều 9/7, cùng với thí sinh khối B thi Sinh học, khối D thi Ngoại ngữ của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, thí sinh dự thi khối C làm bài môn Lịch sử với thời gian là 180 phút.
Sau khi kết thúc thời gian làm bài, nhiều thí sinh nhận định, đề thi Lịch sử năm nay ra quá khó. Với cách ra đề thi mới, các thí sinh cũng cho rằng, khó có thể nhận biết được đáp án.
Thí sinh Đoàn Thị Thủy, dự thi khoa Quản lý Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia quá bất ngờ với đề thi môn Lịch sử năm nay. Cấu trúc đề khá đặc biệt với câu hỏi thứ 4 từ những dữ liệu kinh tế, lịch sử trong bảng đề để xác định những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực?
Đoàn Thị Thủy cho rằng, vấn đề biển đảo cũng ẩn ý trong câu hỏi trên. Nếu thí sinh nào không đọc kỹ và xác định cách làm bài thì có thể lạc đề.
Tuy nhiên, Thủy nhận định, đề thi gồm những câu hỏi hay, cấu trúc đề năm nay đã thay đổi căn bản nhằm khắc phục tình trạng học tủ, học lệch và học thuộc lòng. Đề thi đòi hỏi thí sinh phải có sự suy luận và biết liên kết tất cả các kiến thức để làm bài một cách khoa học và thống nhất.
Than phiền đề thi năm nay quá khó, thí sinh Phan Thị Liên, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu cho biết chỉ làm được khoảng từ 30-40% bài thi. Vì đề khó nên có nhiều bạn trong phòng Liên không làm được bài và xin phép ra khỏi phòng trước.
Theo Phan Thị Liên, nhiều thí sinh đã quen với cách thức học Lịch sử theo kiểu học thuộc lòng, nhớ sự kiện mà chưa quen với việc suy luận và sâu chuỗi các sự kiện theo kiểu phải hiểu biết vấn đề thực sự nên đã không làm được bài.
Khác với những thí sinh khác, thí sinh Đoàn Thị Duyên, dự thi vào khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội lại rất tán thành với cách ra đề thi môn Lịch sử năm nay. Mặc dù đề khó hơn mọi năm nhưng các câu hỏi đã khiến thí sinh phải suy luận và hiểu biết vấn đề một cách thực sự thì mới có thể làm được bài. Với một số câu hỏi “mở”, thí sinh cần phải có kiến thức xã hội, thực tế về tình hình thời sự trong nước và quốc tế thì mới có thể đạt điểm cao.
Đề thi gồm cả những câu hỏi nhằm phân biệt, sàng lọc trình độ của thí sinh cũng như câu hỏi về vai trò của các quốc gia Đông Nam Á để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; Vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với đề thi năm nay, cách dạy và học Lịch sử ở trường THPT cần phải xem xét lại sao cho có hiệu quả hơn.
Thí sinh Đoàn Thị Duyên rất phấn khởi về đề thi Lịch sử tuy khó hơn mọi năm nhưng thực sự là một sự sàng lọc thí sinh. Duyên cho biết, em làm được đến 80% bài thi.
Sáng mai (10/7), thí sinh thi nốt môn cuối cùng của đợt 2 kỳ thi ĐH. Theo đó, thí sinh khối B thi Hóa học; khối C, D thi Ngữ văn./.