Nếu như mọi năm chỉ có 1 mức điểm sàn thì năm nay, Bộ GD-ĐT quy định 3 mức điểm sàn để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó xác định điểm chuẩn tuyển chọn thí sinh vào trường. Theo lý giải Bộ GD-ĐT, đây là điểm khác biệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tất cả các trường lấy thí sinh vào trường nhưng vẫn đảm bảo nguồn tuyển và hướng tới mục tiêu phân tầng các trường ĐH, CĐ.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 mức điểm sàn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có ý kiến về việc cách thức thay đổi điểm sàn của Bộ.

thi-sinh-1.jpg
Việc phân tầng các trường đại học, cao đẳng không thể chỉ phụ thuộc vào các mức điểm sàn (ảnh minh họa)

Nhiều mức điểm sàn chưa thể quyết định việc phân tầng ĐH

PV: Bộ GD-ĐT vừa công bố 3 mức điểm sàn để các trường lấy đó làm căn cứ công bố điểm chuẩn xét tuyển thí sinh vào trường. Đây là điểm khác biệt lớn so với mọi năm là chỉ có 1 mức điểm sàn. Ý kiến của ông về sự thay đổi này như thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, nếu như Bộ GD-ĐT đã phân tầng được các trường ĐH, CĐ thì mới nên đưa ra nhiều mức điểm sàn. Ví dụ như trường có chất lượng đào tạo tốt thì ở mức điểm sàn cao. Trường nào có chất lượng trung bình hoặc thấp hơn thì ở mức điểm sàn thấp dần.

Còn nếu Bộ GD-ĐT đưa ra 3 mức điểm sàn để tự các trường chọn nhằm khẳng định thương hiệu của mình thì chưa hẳn đã đúng. Vì điểm chuẩn của các trường ĐH, CĐ phụ thuộc rất nhiều vào số lượng thí sinh đăng ký vào trường để xác định điểm sàn. Nếu như trường nào chỉ có chỉ tiêu tuyển 1000 thí sinh nhưng có tới 5000 em dự thi thì trường đó phải lấy điểm chuẩn từ cao xuống thấp nên điểm sàn sẽ ở mức cao. Nhưng nếu với chỉ tiêu trên mà chỉ có 1200 thí sinh dự thi thì trường sẽ phải lấy điểm chuẩn thấp hơn nên điểm sàn sẽ ở mức thấp và buộc các trường phải lấy đủ chỉ tiêu đào tạo.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

PV: Như vậy, điểm sàn chưa thể quyết định việc phân tầng, xếp loại các trường ĐH, CĐ. Theo ông, để thực hiện phân tầng các trường ĐH, CĐ thì cần những yếu tố, tiêu chuẩn nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc phân tầng các trường ĐH, CĐ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giảng viên; cơ sở vật chất trường học; chất lượng ngành nghề, sinh viên mà nhà trường đào tạo ra có đáp ứng được yêu cầu xã hội hay không. Việc phân tầng các trường ĐH, CĐ không chỉ xét dựa trên thực lực đào tạo của họ ở thời điểm hiện tại mà còn phải xét xem trong quá khứ họ hoạt động như thế nào...

Bộ GD-ĐT cần khống chế chỉ tiêu giao cho các trường

PV: Thưa ông, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập khó tuyển sinh thì với 3 mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT như trên có tháo gỡ khó khăn cho các trường không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ rằng, việc quy định nhiều mức điểm sàn không có lợi nhiều cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Bộ GD-ĐT cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 là 350.000 sinh viên. Trong khi đó, cả nước có khoảng 650.000 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, đồng nghĩa với việc có cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH. Như vậy còn 300.000 chỉ tiêu là khá dôi dư nên sẽ không có chuyện các trường ĐH, CĐ ngoài công lập “kêu” thiếu chỉ tiêu.

Tuy nhiên, điều tôi lưu ý là Bộ GD-ĐT cần quan tâm tới việc khống chế chỉ tiêu giao cho các trường, kiểm soát chặt chẽ không để cho các trường tuyển vượt chỉ tiêu được giao.

Thực hiện nghiêm túc thi tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH mới yên tâm

PV: Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến của dư luận xã hội về 3 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT để lấy đó làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh. Điều này có nghĩa là trong tương lai gần sẽ không còn điểm sàn và kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển nữa”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc làm trên của Bộ GD-ĐT là một chủ trương đổi mới thi cử rất hay, đã và đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Nhiều nước chỉ thực hiện 1 kỳ thi THPT quốc gia thật sự nghiêm túc, khách quan cộng với việc đánh giá quá trình học THPTcủa học sinh để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó xét tuyển thí sinh vào trường. Sau đó, những trường nào có tính đặc thù riêng thì có thể tổ chức thêm 1 đợt phỏng vấn, kiểm tra IQ, viết luận... để chọn lựa thí sinh tiêu biểu nhất vào trường.

Còn ở Việt Nam, nếu muốn thực hiện được như nhiều nước trên thế giới thì trước tiên, chúng ta cần thực hiện tốt, nghiêm túc việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với sự sàng lọc thí sinh cao, chứ không phải là với tỷ lệ đỗ tốt nghiệp gần 100% như hiện nay. Có như vậy, các trường ĐH, CĐ mới yên tâm chọn lựa thí sinh đủ trình độ, tiêu chuẩn vào trường.

PV: Xin cảm ơn ông!./.