y-te.jpg
Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội (ảnh to). Gia đình cháu Nguyễn Đức Khải bị sốc khi biết tin kết quả xét nghiệm máu của con mình bị “nhân bản” (ảnh nhỏ).Ảnh: Tiền phong

Cháu bé sinh non còn sống lại bị Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông báo người nhà đưa về làm hậu sự, một kết quả xét nghiệm máu dùng cho nhiều người, tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ rồi tử vong, một người xét nghiệm ở 3 nơi cho 3 kết quả khác nhau… và đỉnh điểm là người nhà bệnh nhân lao vào đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh.

Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt sai sót trong y khoa khiến nhiều người bức xúc, người nhà bệnh nhân phẫn nộ và nhiều người lo sợ nếu chẳng may mình phải vào bệnh viện thì gửi gắm tính mạng cho ai?

Công của ngành y tế cũng lớn nhưng “tội” thì cũng không phải là nhỏ. Hãy khoan nói về công, vì nếu không có những thành tựu của ngành y thì làm sao nước ta khống chế thành công tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh; điều trị thành công nhiều ca bệnh nan y, khống chế những dịch bệnh lớn như SARS....

Bàn về cái sai, cái “tội” của ngành y lại thấy chủ yếu xuất phát từ lỗi chủ quan của con người. Đơn cử như việc bảo quản vaccine, đã có qui trình rất rõ ràng, chặt chẽ, thế nhưng sau vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, ngành y tế mới phát hiện ra rằng, nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã bảo quản vaccine sai quy trình như tủ lạnh bảo quản vaccine hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ... Thử hỏi, nếu không có 3 bé sơ sinh tử vong bất thường thì đến bao giờ qui trình bảo quản vaccine mới được rà soát kỹ lưỡng?

Bất cứ ngành nghề gì cũng đều có “tai nạn” và đó là điều khó tránh khỏi, trong y khoa thì các tai biến lại luôn rình rập và được quan tâm nhiều hơn vì nó liên quan đến tính mạng con người. Trong một bài viết đăng trên VOV online, một TS y khoa khẳng định: “Thực tế cho thấy sai sót vẫn xảy ra ở những bệnh viện có điều kiện tốt nhất và ở những bác sĩ kinh nghiệm nhất, kể cả nước Mỹ”.

Còn ở Việt Nam, nền y tế còn kém phát triển, hệ thống đào tạo y khoa chưa đồng bộ và thiếu chất lượng do phải đảm bảo yêu cầu về số lượng. Trang thiết bị thiếu, số lượng bệnh nhân đông, nhân viên y tế làm việc với cường độ cao. Với điều kiện đó, số lượng sai sót trong y khoa chắc còn lớn hơn rất nhiều nếu so sánh với con số được báo cáo ở Mỹ. 

Trong khi đó, chúng ta lại không khuyến khích cơ sở báo cáo sai sót vì sai sót càng nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến… thi đua. Điều này xảy ra ở mọi cấp. Nếu có sai sót thì thường kỷ luật ngay người phạm sai sót mà ít đầu tư tìm nguyên nhân để dự phòng.

Qua những chia sẻ của bác sĩ này có thể thấy, chúng ta đang vướng phải một cái vòng luẩn quẩn. Yếu kém, giấu lỗi và tiếp tục yếu kém, mắc lỗi rồi giấu lỗi.

Những gì thuộc về trình độ chuyên môn, kỹ thuật dẫn đến các sai sót trong ngành y thì sẽ dần được khắc phục nhờ vào các khóa đào tạo, các tiến bộ của khoa học. Nhưng những gì thuộc về y đức lại liên quan đến lòng trắc ẩn của mỗi con người. Việc sử dụng một kết quả xét nghiệm để chẩn bệnh cho nhiều người thì chắc chắn không có trường lớp nào dạy những người trong ngành y làm như vậy.

Chính những người trong ngành y đã coi những vụ việc như nhân bản kết quả xét nghiệm hay sự tắc trách khi thi hành nhiệm vụ là “vi phạm y đức”.

Người dân bỏ tiền ra để mua các dịch vụ y tế. Ngược lại, ngành y phải trả cho người bệnh những dịch vụ tốt nhất và kết quả là sự cải thiện về sức khỏe. Thế nhưng, ở đây đã có chuyện “tiền mất, tật mang” thậm chí là mất mạng! Hiện nay và bây giờ, nếu cái sự không may do tiêm phải vaccine bảo quản không đúng cách hay việc bị rơi từ trên xe đẩy xuống đất… rơi vào ai thì người đời tặc lưỡi “âu cũng là cái số”. Nhưng nếu ngành y tự hào về các thành tựu khám chữa bệnh của mình thì cũng phải đồng nghĩa với việc giảm những cái tặc lưỡi và trông vào sự may mắn của số phận.

Bộ trưởng Y tế trong các diễn đàn của Quốc hội và trả lời báo chí đều bày tỏ sự day dứt trước các thực trạng của ngành y (y đức, quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh…). Bộ trưởng cũng đã ra sức kêu gọi nâng cao y đức, nói “không với phong bì”… nhưng xem ra tình hình lại xấu đi?

Xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi… Đó là những câu được cán bộ y tế thốt ra khi mỗi gia đình phải chịu cảnh mất người thân. Nhưng cái người dân cần không phải là những câu “xin lỗi” và nhận trách nhiệm một cách khơi khơi mà phải “thay máu” cho ngành y. Hơn lúc nào hết, câu chuyện y đức cần được vực dậy trước khi để nó rơi xuống mức “nguy hiểm”. Ngành y tế đang đánh mất chữ “Tín” khiến người dân âu lo, lòng tin giảm sút!/.