Những trận mưa bão gây lũ quét ngập úng trên diện rộng trong mấy ngày qua cũng không làm giảm bớt sự nóng giận phẫn nộ của công luận đối với những tiêu cực, yếu kém của ngành y tế. Lâu nay chúng ta nói về y đức thường rất chung chung, không quan tâm xem đạo đức của những người hành nghề cao quí này phải được biểu hiện như thế nào khi mà sức khỏe trở thành hàng hóa để mặc cả, tính mạng con người bị coi rẻ.

xet-nghiem.jpg
Phiếu xét nghiệm huyết học tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau  - Ảnh tư liệu báo Tuổi trẻ

Trong vòng chưa đầy một năm ở một bệnh viện đa khoa tuyến huyện của thủ đô đã “nhân bản vô nhân” hàng ngàn kết quả xét nghiệm máu để già trẻ gái trai cho dù mắc bệnh gì đều có thể dùng chung. Thử hỏi trên thế gian này từ xưa tới nay có hành vi nào ác đức như thế hay không?  Đến như những tên tội phạm không còn khả năng cải tạo phải loại khỏi đời sống xã hội mà chúng ta vẫn tìm cách thi hành sao cho nhẹ nhàng, nhân văn. Đằng này, hàng ngàn người phải sử dụng kết quả xét nghiệm máu của người khác thì họ có tội gì?  Hay tội của họ là nghèo, thiếu tiền khám chữa bệnh?Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nói, hành nghề chữa bệnh cứu người mà thiếu đạo đức thì chẳng khác gì “bọn cướp”. Mà cướp củagiết người là những hành vi thường đi liền với nhau vì cùng chung mục đích. Vụ án ở bệnh viện đa khoa vừa kể đã được khởi tố và những kẻ ác đức sẽ phải đứng trước vành móng ngựa. Nhưng còn vụ án lớn hơn đã kéo dài từ nhiều năm nay rồi, từ khi sức khỏe, kể cả tính mạng con người được mang ra đong đếm bằng tiền làm cho y đức xuống cấp thê thảm, thì luật pháp nào xử lí hay lại phải vời đến tòa án lương tâm?

Mưa ngập, lũ quét sau bão thì chẳng cần thêm giọt nước nào cũng tràn ly, mà có khi cái ly đã vỡ tan tành từ lâu rồi. Cũng từ năm ngoái đến nay trong cả nước xảy ra rất nhiều vụ việc mà những ai quan tâm đến y đức đều phải giật mình. Vụ tiêm vaccine quá hạn, sau đó là ăn bớt vaccine khi tiêm cho trẻ em đều xảy ra ở trung tâm thủ đô. Rồi hàng loạt vụ việc tương tự ở mức độ khác nhau, nhưng nghiêm trọng nhất là vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi tiêm vaccine xảy ra ở huyện miền núi của một tỉnh nghèo miền Trung. Chưa hết và mới đây thôi, ở đồng bằng sông Cửu Long có 2 mẹ con sản phụ chết do sự lơ là của y sĩ, bác sĩ; còn cũng tại một tỉnh miền Trung người cha suýt chôn sống con mình vì bệnh viện phán rằng cháu đã chết. Không kể thêm nữa vì còn nhiều lắm và đau lòng lắm, phẫn uất lắm lắm!

Nghề y là một trong những nghề cao quí nhất, cái nghề mà cả xã hội gọi bằng thầy, nên y đức có yêu cầu cao hơn so với chuẩn mực chung. Đạo đức của ngành y bao gồm cả năng lực, trình độ của y sĩ, bác sĩ. Không thể lấy lí do thu nhập thấp, viện phí thấp để biện giải về điều này, bởi đây là cái nghề mà “dốt” cũng là tội lỗi. Nhưng không ít người “dốt” đã bỏ tiền ra để chạy về những bệnh viện, trung tâm y tế lớn, nên việc đầu tiên mà họ quan tâm là tìm cách thu hồi vốn, sau đó là thu lợi nhuận. Vậy thì tránh sao khỏi tình trạng bòn rút bệnh nhân, lạm dụng thuốc, lạm dụng kĩ thuật cao trong khám bệnh và điều trị, coi người bệnh như “miếng mồi ngon”, nghiêm trọng hơn còn có cả những “liên minh ma quỉ” nhằm khai thác, thậm chí sẵn sàng hãm hại người bệnh... Đó là tội ác, cần trừng trị nghiêm khắc và kịp thời, phải kiên quyết loại bỏ những phần tử ấy ra khỏi ngành y!  Đạo đức của ngành y còn bao gồm cả năng lực quản lí Nhà nước, phải làm sao khắc phục được tình trạng buông lỏng, yếu kém diễn ra đã lâu dẫn đến lãng phí, vô lí, bất công, và kể cả..... tội ác như vừa nêu.

Đến mạng người mà còn coi thường rẻ rúng thì tòa án lương tâm có hoạt động quá tải vẫn đầy án tồn đọng, nên chẳng cần vời đến tòa án lương tâm nữa. Bởi, nếu không có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh mà cứ kéo dài mãi như thế thì nhân dân ta đã phán xét rồi, từ lâu rồi, bằng một câu thỏa đáng và rất dễ hiểu – đó là “trời không dung, đất không tha”./.