Ba phiên đấu thầu vàng của NHNN lần lượt diễn ra vào các ngày 28/3, 4/4 và hôm nay 5/4 diễn ra phiên thứ 3. Phiên đầu tiên, chủ thầu ế tới 24.000 lượng khi đặt giá sàn quá cao. Phiên đấu thầu ngày 4/4, khi NHNN đặt giá sàn tương đối hợp lý so với phiên trước thì số trúng thầu gần đạt 100%. Hôm nay, phiên thứ 3 số lượng tổ chức, doanh nghiệp đến đấu thầu đã vắng hơn so với phiên hôm qua.

Một điều nữa có thể thấy, tâm lý giảm giá đang đè nặng lên thị trường. Không biết có phải vì có gần 1 tấn vàng trúng thầu trong ngày hôm qua hay không, hay vì giá vàng trên thị trường vàng thế giới giảm mà giá vàng trong nước  giảm mạnh. Tính đến chiều qua, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng so với cuối chiều hôm trước. Giá vàng trong nước và thế giới cùng giảm khiến nhiều DN lo bị lỗ ngay sau phiên đấu thầu.

Theo nguyên tắc, khi TCTD đi đấu thầu, không ai mua về rồi mới bán mà họ phải bán song song từ ngày hôm trước. Việc đuổi giá như diễn biến hôm qua cho thấy, toàn bộ chúng ta đang chạy theo giá thế giới. Việc đấu thầu của chúng ta lại chạy theo giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Sau phiên hôm qua, các tổ chức, doanh nghiệp, TCTD thấy không có lời, cho nên phiên hôm nay nhiều DN không mặn mà tham gia. Thêm một lý do nữa là lực thị trường yếu do giá thế giới liên tục giảm trong khi giá đấu thầu mà Nhà nước đưa ra lại giảm không kịp.

Một xu hướng dễ thấy trong tình hình hiện nay là người dân và các tổ chức sẽ không mua vì còn tranh thủ xem giá có giảm tiếp hay không. Nếu vàng thế giới còn xuống như dự đoán của nhiều chuyên gia là sẽ về vùng  1.544-1.545USD/oz thì liệu giá đấu thầu quá chênh lệch với giá thế giới như hiện nay không còn ý nghĩa với DN. Bởi quy luật kinh doanh từ xưa đến nay là “mua rẻ - bán đắt”. Chẳng có DN nào dám làm ngược lại qui luật này, nhất là với một loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn như vàng.

Trao đổi với VOV online, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công tyCổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng: Trong ngắn hạn, việc đấu thầu tăng nguồn cung chỉ là giải pháp tình thế và chữa cháy. Theo quy luật tâm lý, người tiêu dùng và TCTD sẽ không mua vàng khi giá vàng giảm. Nhưng khi giá vàng tăng trở lại thì mọi người sẽ ào đi mua. Trong tương lai, khi giá vàng thế giới lên dân ào đi mua thì liệu NHNN có bán vàng nữa hay không? Khi đó, chắc chắn chênh lệch giá vàng sẽ không còn ở mức 4,5 triệu như hôm nay mà sẽ cao hơn.

Thứ nữa, hiện nay nguồn cung bị thắt chặt, giá xuống NHNN cũng phải bán, giá lên NHNN cũng phải bán nhiều hơn. Như vậy thì nguồn lực đâu để NH bán mãi. Và chủ trương chống vàng hóa có còn phù hợp và có thực hiện được hay không?

Cần thiết phải có sàn vàng minh bạch

Theo ông Hải, một sàn giao dịch vàng phải giống như một cái chợ, hấp dẫn được cả người mua và người bán. Lúc đó, NHNN thay vì phải bán 1 tấn thì chỉ bán 100-200 kg vàng thôi, thị trường sẽ sôi động, có người mua và người bán. “Muốn để cho có người mua – người bán thì cơ chế phải minh bạch, rõ ràng, việc giao dịch phải thuận tiện chứ không phải đăng ký như hiện nay. Tôi biết, nhiều DN muốn bán vàng nhưng với cách thức như hiện nay DN không thể tham gia.

Nếu sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, thì NHNN không cần phải tăng cung liên tục. Như cách làm hiện nay là quá nặng về kinh doanh vàng vật chất. “Chính vì thế không biết cuộc đuổi bắt này còn chạy tới khi nào. Hệ quả là, việc kinh doanh vàng vật chất và cuộc đuổi bắt này không làm giảm đi lượng vàng trong dân, thậm chí còn tăng lên, khi đó mục tiêu chống vàng hóa không thực hiện được, giá vẫn cứ lên vì DN mua giá cao, bán ra lỗ thì phải hãm lại, giảm cung để làm sao giá trên thị trường cao thì mới tiêu thụ được số đã mua” – ông Hải nói về nguy cơ chúng ta có thể mắc vào cái vòng luẩn quẩn.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chúng ta cần tạo ra một cơ chế mua bán vàng bình đẳng, thuận tiện thì sẽ có nhiều người đến mua và cũng sẽ có nhiều người tham gia bán. Lúc đó, NHNN không cần phải lấy dự trữ ngoại hối quốc gia để can thiệp thị trường vàng.

“Một cái chợ đúng nghĩa thị trường sẽ đỡ cho NHNN rất nhiều. Lúc đó, NHNN chỉ quản lý các điều kiện, qui định. Muốn làm được như vậy chúng ta phải thay đổi cơ chế, chính sách, chuyển sang giao dịch online. Đây là những tiền đề để hình thành sàn giao dịch vàng quốc gia trong tương lai. Tới lúc đó, mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với thế giới, chống vàng hóa… vẫn có thể đạt được. Những giải pháp chúng ta đang thực hiện là trước mắt nhưng nguy hại lâu dài” – ông Hải cảnh báo.

Giá vàng trong nước hiện vẫn đang đắt hơn thế giới trên 4 triệu đồng/lượng. Với mức giá trúng thầu trong phiên thứ 2 là 43,30 – 43,37 triệu đồng/lượng thì giá vàng trong nước đắt hơn giá thế giới 3,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đây là giá trúng thầu, nếu DN bán ra thị trường thì còn phải cộng thêm hàng loạt chi phí nữa, không ai dám chắc chênh lệch vàng trong nước và thế giới sẽ giảm./.