Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, với số lượng vàng chào bán là 26.000 lượng. Kết thúc phiên đấu thầu, chỉ bán được 2.000 lượng với đúng giá chào của Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Kết quả này đã gây nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh mục đích và kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng.

Nếu nhìn từ góc độ thị trường hàng hóa đơn thuần, nhiều người cho rằng, phiên đấu giá vàng miếng đầu tiên này có gì đó không bình thường. Không bình thường ở chỗ: Ngân hàng Nhà nước đột ngột thay đổi cách chào giá. Nếu như trong phiên đấu thầu thử, đại diện Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ đưa ra mức giá sàn và giá trần nhưng tại phiên đấu thầu chính thức đầu tiên này, chỉ chào giá sàn, không chào giá trần. Thoạt nhìn, có người sẽ cho là có điều gì khó hiểu xung quanh động thái này nhưng qua quan sát và nghiên cứu thị trường vàng và theo ý kiến một số chuyên gia về vàng, thì khi “cung” vàng đang dồi dào, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng rất “xông xênh”.

dau-thau-vang.jpg
Đại diện các đơn vị kinh doanh vàng bỏ phiếu đấu thầu trong phiên ngày 28/3 tại Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Tuổi trẻ)

Trong khi đó, “cầu” về vàng không lớn, ngoại trừ nhu cầu cấp bách của một số ngân hàng thương mại đang cần bù đắp lượng vàng thiếu hụt để đóng trạng thái vàng trước tháng 6 tới, thì việc chào giá trần là không cần thiết. Điều này cũng lý giải vì sao số lượng đơn vị tham gia cuộc đấu thầu ít hơn đăng ký rất nhiều. Điều lạ thứ hai là giá chào bán còn cao hơn giá chốt phiên của vàng SJC ngày hôm trước những 100.000 đồng/lượng. Không ít người cho rằng thế là “bình ổn ngược”, và đặt dấu hỏi cho sự lạ này. 

Tuy nhiên, nếu theo dõi diễn biến thị trường vàng trong khoảng 2 tháng nay thì thấy mặc dù có những thời điểm giá vàng bị “kích” lên vì lý do này, lý do khác, nhưng xu hướng chung là đang giảm dần, trong bối cảnh giá vàng thế giới cũng bắt đầu giảm. Trước những động tác liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước về quản lý thị trường vàng, rõ ràng là giới đầu cơ vàng cũng đã phải ngừng lại nghe ngóng, thận trọng hơn. Người dân cũng biết tiết chế cảm xúc, không còn a dua mua theo phong trào mỗi khi nghe tin vàng tăng giá như trước. Đây chính là những yếu tố khiến cho phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên vốn được không ít doanh nghiệp và cả dư luận kỳ vọng sẽ diễn ra như một phiên chợ vàng đầy kịch tính, với những màn “rượt đuổi giá sát sàn sạt” như bản tính vốn nóng bỏng và nhảy nhót của giá vàng bấy lâu nay, đã diễn ra ngoài dự kiến của nhiều người. Và cũng có không ít người chờ đợi điều kỳ vọng này xảy ra để được chứng kiến sự mất kiểm soát của người cầm chịch chợ vàng là Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế phiên đấu giá vàng đầu tiên diễn ra khá yên ả. Bên bán chào bán 26.000 lượng; chỉ có 2 đơn vị mua 2.000 lượng, trên tổng số 21 đơn vị đăng ký đấu thầu, vì thế, không có cạnh tranh giá; giá trúng thầu là giá mà Ngân hàng Nhà nước mong muốn. Mặc dù có thể gọi là “ế ” 24.000 lượng vàng, nhưng đây là “ế” mừng, vì hai lẽ: Thứ nhất, cú thăm dò thị trường vàng này của Ngân hàng Nhà nước đã một mũi tên trúng hai đích: vừa “đo” được sự “khát” vàng của thị trường; vừa đảm bảo được nguyên tắc là “không bù lỗ giá vàng cho bất cứ ai”. Chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ lời tuyên bố này có ý nghĩa gì.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cũng không quá “thiệt”, khi bán 2.000 lượng vàng mang tính chất thăm dò này với một giá khá tốt, thậm chí còn cao hơn giá vàng SJC trên thị trường những 100.000 đồng/lượng. Rõ ràng, với phiên đấu thầu vàng đầu tiên này, những nhà quản lý ngoại hối của Ngân hàng nhà nước đã tính toán và cân nhắc kỹ lợi ích nhiều phía, và đang bám sát nguyên tắc quản lý vàng hoàn toàn mới mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình liên tục nhấn mạnh.

Nguyên tắc trên khẳng định, đây là thời kỳ mà Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý thị trường vàng theo nguyên tắc tập trung đầu mối và bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá. Tức là chỉ kiến tạo cơ chế can thiệp thị trường, và làm sao để cơ chế này vận hành trơn tru, để khi có biến động đột ngột của giá vàng đến mức có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô thì mới can thiệp; chứ không can thiệp vào giá vàng nếu như giá này đang vận hành đúng theo qui luật “cung -cầu” của từng thời kỳ. Bởi đã là kinh tế thị trường, thì việc giá vàng lên xuống theo quan hệ “cung - cầu” là tất yếu, còn việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng sẽ do thị trường điều chỉnh, nếu như công tác quản lý nhà nước có thể chặt được hai cái vòi bạch tuộc là đầu cơ và buôn lậu vàng.

Mục tiêu lâu dài của những động thái quản lý vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang triển khai chính là nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn hai cái vòi bạch tuộc này khuấy đảo thị trường để kiếm lợi. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu này, không thể chỉ phụ thuộc một mình Ngân hàng nhà nước, mà phụ thuộc nhiều ngành liên quan. Và tất nhiên, muốn nền kinh tế nước ta phát triển ổn định, bền vững, Chính phủ phải kiên định chỉ đạo để các ngành cùng tập trung thực hiện mục tiêu này.

Tất nhiên, mới chỉ một phiên đấu thầu vàng miếng chưa đủ để kết luận điều gì. Nhưng những thông điệp được truyền đi từ các động thái này là khá rõ. Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định được đến đâu trên con đường còn nhiều chông gai này./.