Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương, các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi được Bộ GD-ĐT đánh giá tốt, coi đây là bước thử quan trọng để tiếp tục đổi mới kỳ thi này trong những năm sau. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều ý kiến đặt vấn đề “Nên giao cho địa phương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia” và có cơ chế giám sát mà không cần các trường đại học chủ trì cụm thi như hiện nay.Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016.
Qua 2 kỳ thi THPT quốc gia, các chuyên gia đều nhận định, việc gộp 2 kỳ thi gồm thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thành kỳ thi duy nhất chủ yếu là giảm nhẹ áp lực thi cử, giảm tốn kém và giảm việc di chuyển cho thí sinh và người nhà.
Khi cụm thi do trường đại học chủ trì được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố cũng đã nhận được sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền địa phương trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị về cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi đến việc hỗ trợ thí sinh và gia đình trong những ngày thi. Tuy nhiên, việc cán bộ, giảng viên các trường đại học phải di chuyển đến các tỉnh để coi thi vẫn rất cồng kềnh, tốn kém.
Với kinh nghiệm tham gia phối hợp tổ chức thi tại tỉnh Hà Giang, ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, qua 2 năm tổ chức thi, Sở GD -ĐT các địa phương hoàn toàn đủ kinh nghiệm để tổ chức kỳ thi này. Ngoài những lợi ích cho học sinh, phụ huynh học sinh thì việc giao kỳ thi này về địa phương còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội do tận dụng được cán bộ giáo viên các trường phổ thông tham gia kỳ thi.
Ông Trương Tiến Tùng nói: “Chúng tôi nghĩ là hoàn toàn có thể giao lại cho các sở chủ động trong công tác lên kế hoạch cũng như tổ chức thi. Nếu giao cho Sở tổ chức ở tại địa phương theo cụm thi như năm nay chúng ta làm thì chắc chắn đảm bảo an toàn hơn cho xã hội bởi vì sự di chuyển ít hơn. Về phía Bộ hay các trường, nếu cán bộ của họ không đủ thì có thể tham gia, hoặc tham gia các khâu khác như giám sát nếu cảm thấy cần, và cảm thấy chưa yên tâm”.
Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia có thể giao cho các địa phương tổ chức, nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ và để các trường đại học tự chủ tuyển sinh, vì trên thực tế, xã hội vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tính khách quan của địa phương trong khâu coi thi và chấm thi: “Quá trình thi THPT quốc gia cũng như tuyển sinh đại học cũng nên đơn giản hóa, nhẹ nhàng hóa đi. Nếu như vẫn để 1 kỳ thi THPT quốc gia và khẳng định điểm đó là điểm tham chiếu để vào đại học và các trường đại học đừng tổ chức cuộc thi nữa thì lại phải quay lại cơ chế địa phương tổ chức nhưng có cơ chế giám sát”.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, một số chuyên gia lại cho rằng, thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là hai mục đích khác nhau, nên đề thi rất khó dung hòa cả hai mục đích này.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD -ĐT nêu ý kiến: “Không thể có cái hai trong một. Kỳ thi THPT là đánh giá đầu ra của phổ thông. Tuyển sinh đại học là xét đầu vào để đào tạo. Thứ 2 nữa là phân cấp quản lý, thì việc đào tạo phổ thông là các Sở GD -ĐT, chính quyền địa phương và đại học là được quyền tự chủ tất cả mọi thứ. Thế thì làm sao nói gộp làm một được. Tất nhiên năm nay nó đỡ hơn chút ít nhưng tất cả các trường đại học cử người về 63 tỉnh, thành phố, tốn kém tiền không biết bao nhiêu. Trong lúc đó giáo viên ở địa phương thì chơi, nhà nước thì tốn tiền”.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia tổ chức trong 2 năm qua đã đạt được thành công là giảm nhẹ áp lực thi cử, giảm tốn kém cho học sinh, phụ huynh, nhưng chưa làm thay đổi căn bản mục tiêu của nền giáo dục.
Vì vậy, việc đổi mới thi và tuyển sinh cần tính mục tiêu của giáo dục sẽ như thế nào chứ không phải là đổi mới để thỏa mãn nhu cầu, quyền lợi của người học và cha mẹ học sinh: “Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT này giao cho địa phương và địa phương phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Hiện nay các trường đại học không tin phổ thông vì việc làm không nghiêm túc, chạy theo thành tích. Bản chất của thi tốt nghiệp THPT để đánh giá kết quả nỗ lực rèn luyện của học sinh, chúng ta không thể bỏ thi được, học mà không thi, không kiểm tra thì không thành công.
Để cho các trường đại học tùy từng loại hình trường mà người ta tìm ra được những nguồn nhân lực để đào tạo cho đúng”.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, Bộ cần đánh giá khách quan về những điểm được và chưa được qua 2 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để tính đến một phương án thi và tuyển sinh ổn định hơn trong vài năm tới. Nếu để các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh, rất dễ xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan như trước đây./.