Nhận xét về cách ra đề thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, thí sinh và dư luận đánh giá cao về cách thức ra đề thi theo hướng “mở” với việc phát huy năng lực, tư duy của thí sinh.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh, khi có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp THTP và xét tuyển ĐH, CĐ
Đặc biệt là đối với đề thi môn Lịch sử có nhiều câu hỏi gắn giữa lý thuyết và liên hệ với các vấn đề chính trị-xã hội của đất nước.
Thí sinh làm xong bài sau khi thi THPT Quốc gia năm 2016 |
Tại buổi họp báo chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, công tác ra đề thi được Bộ GD-ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi.
Các cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các Viện Nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Tất cả nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.
Đề thi đạt được yêu cầu của kỳ thi, không đánh đố, nội dung thuộc chương trình sách giáo khoa THPT, chủ yếu là lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân hóa thí sinh cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Điều này có thể cải thiện được phổ điểm, giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh thuận lợi, nhất là các trường top trên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi trong những năm vừa qua có những bước cải tiến mạnh nhằm phát huy sự sáng tạo, tư duy và gắn với thực tế cuộc sống, giảm tải tình trạng thầy đọc-trò chép, “học tủ, học vẹt”.
Việc ra đề thi những năm tiếp theo sẽ hướng theo tinh thần phát huy năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, Nếu đổi mới quá nhanh sẽ ảnh hưởng chất lượng làm bài do các em không kịp thích ứng. Mọi thay đổi sẽ được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ lưỡng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết đã tập huấn chuẩn bị cán bộ giáo viên chấm thi tốt. Năm nay, công tác chấm mở được bảo đảm. Việc ra đề mở cho thí sinh đòi hỏi cán bộ phải chấm theo dạng mở, đảm bảo tính công bằng cho thí sinh.
Giải thích thêm về việc chấm thi theo dạng đề thi “mở”, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Đề thi ra theo hướng “mở” thì việc chấm thi cũng sẽ “mở”. Học sinh sáng tạo, không sai mục tiêu câu hỏi, không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục đều được chấm điểm.
Trong quy chế thi không nói đến việc thưởng hay trừ điểm cho tính sáng tạo của thí sinh. Đối với một số trường hợp làm bài đặc biệt, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, cân nhắc trong việc chấm bài./.
Chậm nhất ngày 20/7 hoàn tất chấm thi THPT Quốc gia 2016