Nhất trí với định hướng đổi mới của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa công bố, thế nhưng đại diện nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh lại lo ngại về thời gian triển khai đề án. Không ít ý kiến cho rằng, nếu triển khai đại trà trong khi chưa chuẩn bị kỹ càng, chương trình đổi mới sẽ khó khả thi.
Được đánh giá cao vì có nhiều đổi mới đáng quan tâm, tuy nhiên, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng khiến lãnh đạo, giáo viên nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh cảm thấy băn khoăn. Không ít ý kiến cho rằng, việc đổi mới đồng loạt từ trên xuống dưới trong khoảng thời gian quá ngắn như hiện nay là điều không thể. Bởi để một chương trình mới vào guồng, cần có giai đoạn thí điểm, rút kinh nghiệm rồi mới nghĩ đến chuyện triển khai đại trà. Trong khi đó, theo kế hoạch của Bộ Giáo dục – Đào tạo, rất có thể chương trình mới sẽ được áp dụng vào năm học 2018-2019.
Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận Gò Vấp, xét về tổng thể, chương trình mới còn nhiều vấn đề cần được làm rõ như nội dung sách giáo khoa mới sẽ như thế nào, chương trình có thực sự giảm tải hay không, những đổi mới trong việc thiết kế các bộ môn tích hợp được tiến hành ra sao… Tất cả đều cần có thời gian thử nghiệm và chuẩn bị chu đáo. Nếu triển khai vội vàng thì học sinh là người chịu thiệt.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh nói: “Hiện nay sách giáo khoa còn chưa ra mà Bộ Giáo dục – Đào tạo bảo là năm học 2018-2019 thực hiện đại trà. Vậy giai đoạn nào là thí điểm? Nếu chúng ta chưa chuẩn bị một cách cẩn thận thì chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo dời thời điểm áp dụng đại trà chương trình mới. Bởi vì nếu chúng ta không áp dụng thí điểm một cách cẩn thận thì không khéo lịch sử những năm trước đây sẽ lặp lại như việc phân ban rồi xóa ban…”.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định cho rằng, nếu chương trình mới được triển khai đại trà từ năm học tới sẽ gây ra không ít khó khăn cho nhiều địa phương. Vì đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực và sĩ số lớp nhiều nơi vẫn chưa thể đáp ứng theo chuẩn mới. Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều môn học lạ trong dự thảo chương trình cũng là điều đáng được quan tâm.
“Trong chương trình đổi mới, một số môn học mới vẫn chưa có kế hoạch đào tạo giáo viên gì cả. Như vậy, nếu chúng ta áp dụng chương trình mới ngay trong năm học tới thì chắc chắn rằng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy sẽ chưa được bồi dưỡng. Việc đào tạo cho một thế hệ sinh viên mới cũng không kịp thực hiện” - bà Cúc nói.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Làm gì để không quá tải?
Việc không được bồi dưỡng hoặc đào tạo chuyên môn một cách kỹ càng để có thể đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy nhiều bộ môn trong chương trình mới sẽ là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng đứng lớp của đội ngũ thầy cô giáo. Yêu cầu này càng phức tạp với những môn tích hợp đòi hỏi cách dạy linh hoạt cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các giáo viên phân môn.
Tán thành với quan điểm lấy người học làm trung tâm của dự thảo chương trình phổ thông tổng thể khi áp dụng loại hình môn học tự chọn cho học sinh các cấp nhưng ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo quận 7 cho rằng, việc tự chọn này vẫn còn hơi gượng ép. Ông Đông lý giải: “Môn học tự chọn thì phải có nhiều bộ môn hay nội dung để học sinh tự chọn. Còn ở đây, đối với tiểu học, môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số. Ở trung học cơ sở, ngoài tiếng dân tộc thiểu số có thêm ngoại ngữ 2”.
Theo ông Đông, riêng bộ môn tiếng Anh hiện nay còn rất khó trong việc tổ chức giảng dạy để nâng cao chất lượng. Bây giờ lại có thêm ngoại ngữ 2 không biết nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy sao cho hiệu quả và đội ngũ giáo viên sẽ được đào tạo ra sao để đáp ứng nhu cầu? Rồi việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy tại các thành phố lớn liệu có phù hợp và khả thi hay không?
Đại diện nhiều trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thay vì triển khai ngay, Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có thêm thời gian cân nhắc tính khả thi của chương trình mới. Trong đó, vấn đề đáng được quan tâm là đổi mới theo hướng giảm tải chương trình và đẩy mạnh việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Chương trình mới cần đi kèm với khung kiểm tra, đánh giá mới cho thật phù hợp./.
Chương trình GDPT tổng thể: Vẫn là “bình mới rượu cũ”?
Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể