Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông để lấy ý kiến xã hội, ngày 13/04, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ nay đến khi triển khai chương trình mới chỉ còn một năm. (Ảnh minh họa).
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng công phu, cấu trúc hợp lý, đề cập những vấn đề thiết thực hơn trong mục tiêu, yêu cầu phẩm chất, năng lực của người học, kế hoạch giáo dục, định hướng về nội dung giáo dục...
Theo Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tiến, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông đã thể hiện khá rõ ràng về chân dung người học sau khi tốt nghiệp chương trình phổ thông với 6 phẩm chất và 10 năng lực. Tuy nhiên, dự thảo chương trình xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, nhưng chưa nêu rõ những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học.
Trong khi đó, định hướng nội dung giáo dục cũng chưa nêu rõ các giải pháp để học sinh có thể đạt được những yêu cầu về phẩm chất và năng lực này. Nhiều đại biểu kiến nghị, cần làm rõ mối quan hệ giữa các năng lực chung và các môn học phù hợp theo từng cấp học. Đối với hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dự thảo có vị trí, vai trò như một môn học riêng nhưng thực chất là phương pháp nên cần gắn liền với từng môn học và được lồng ghép trong bài giảng của giáo viên.
Hiện nay, dự thảo chia chương trình phổ thông thành 2 giai đoạn, giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (là cấp trung học phổ thông).
Tuy nhiên, việc định hướng nghề nghiệp cần thực hiện sớm hơn, tức là khoảng cuối năm lớp 9 ở bậc trung học cơ sở, thay vì lớp 10 như dự thảo. Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng dự thảo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông không nên đưa ra các yêu cầu quá cao đối với người học.
Chương trình GDPT tổng thể yêu cầu nhiều năng lực với học sinh
Chương trình GDPT mới: Nhiều thách thức với nhóm biên soạn
“Giáo dục phổ thông không phải là lực lượng chính để đào tạo nguồn nhân lực mà là đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực. Học xong phổ thông chưa thể thành nhân lực được, do vậy, đừng tuyên bố là tạo nguồn nhân lực mà là đặt nền tảng cho việc tạo nguồn nhân lực, còn giáo dục chuyên nghiệp là nhiệm vụ của đại học”, giáo sư Dong chỉ rõ.
Về điều kiện thực hiện chương trình, nhiều ý kiến cho rằng, từ nay đến thời điểm triển khai chỉ còn hơn 1 năm nên các các địa phương sẽ gặp khó khăn để đáp ứng được yêu cầu đào tạo về đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường học để triển khai theo chương trình mới hiệu quả./.