Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngày 25/11/2012 sẽ dừng huy động vàng trong dân. Nay mốc 25/11 ngày càng gần, thị trường vàng trong nước càng huyên náo cả chuyện bán - mua lẫn những phân tích, dự báo đa chiều.

Nhớ lại ngày 29/4/2011, NHNN có Thông tư 11 quy định từ 1/5/2011 các ngân hàng phải ngừng triển khai hợp đồng mới với các khách hàng vay vàng và chỉ được huy động vàng phục vụ mục đích chi trả. Sau đó, NHNN lại ban hành Thông tư số 12 quy định việc huy động vàng bằng chứng chỉ ngắn hạn của tổ chức tín dụng sẽ chấm dứt vào 25/11/2012.

huydonggold_e26121.jpg
Có chuyên gia cho rằng, việc cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ dẫn đến lãng phí một tiềm lực vốn lớn để phục vụ nền kinh tế

Động thái NHNN chủ trương cấm huy động và cho vay vàng thể hiện rõ mục đích khuyến khích người dân chuyển từ gửi vàng sang tiền tiết kiệm và vay mượn bằng tiền Việt Nam. Nhưng bản thân thị trường vàng Việt Nam lâu nay vốn khó lường.

Trong khi điều hành của NHNN còn tỏ thái độ nghe ngóng, thị trường vàng trong nước vẫn liên tục biến động, thậm chí bất thường. Bất thường dễ nhận biết là giá. Giá vàng trong nước luôn tăng - giảm thất thường, thậm chí luôn cao hơn giá vàng quốc tế từ 2-3 triệu đồng/lượng. Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực khẳng định trên VOV rằng: Mức chênh lệch này là bất thường và rất khó hiểu.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai giải thích: Do chúng ta không sản xuất được vàng mà phải dùng USD để nhập vàng. Khi USD mất giá, đương nhiên vàng tính bằng tiền Việt phải lên.

Cũng có chuyên gia chỉ ra nguyên nhân do các ngân hàng thương mại huy động vàng của dân rồi mang bán, khi thị trường có biến động, người dân dồn dập rút vàng ra, buộc các ngân hàng phải mua vào nhiều, khiến giá vàng bị đẩy lên cao.

Thực chất, nhìn chung các chuyên gia phân tích đều ở thế… ngoài cuộc. Còn người trong cuộc là ngân hàng huy động vàng hoặc doanh nghiệp kinh doanh vàng chưa thấy giải thích thẳng thắn vì sao giá vàng trong nước hiện cao hơn nhiều so với giá thế giới. Thậm chí cùng là vàng 9999 nhưng cũng có chênh nhau khá lớn giữa các thương hiệu khác nhau.

Cả NHNN và giới chuyên gia đều từng chỉ ra giá cao do có nạn đầu cơ trên thị trường vàng. Song, việc chống nạn đầu cơ, làm giá để lập lại trật tự trên thị trường vàng, vẫn chủ yếu vẫn mạnh ở khuyến cáo, chưa có giải pháp hữu hiệu. Hằng ngày, người dân và giới đầu tư nhỏ lẻ vẫn chìm nổi trong mua - bán, được – thua khi chạy theo biểu giá và những tin đồn. Và như vậy, thị trường vàng vẫn nhiều bất trắc, tác động không nhỏ tới nền kinh tế.

Nếu mốc ngày 25/11 được NHNN kỳ vọng việc cấm huy động và cho vay vàng sẽ khuyến khích người dân chuyển từ gửi vàng sang tiền tiết kiệm và vay mượn bằng tiền Việt Nam, thì giới chuyên gia lại nghĩ khác.  

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Nhà nước độc quyền vàng như hiện nay thì không thể huy động được số vàng đang có trong dân (khoảng 400-500 tấn). Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, cần có giải pháp để khơi thông dòng chảy của vàng trong dân. Việc cấm huy động và cho vay bằng vàng sẽ dẫn đến lãng phí một tiềm lực vốn lớn để phục vụ nền kinh tế.

TS Cấn Văn Lực cũng lưu ý, kênh vàng và ngoại hối có mối liên thông chặt chẽ với nhau. Khi quản lý thị trường này vẫn phải tính đến thị trường kia. Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo (Học viện Ngân hàng) phát biểu trên VOV rằng: Nếu đã cấm huy động, cho vay thì các cơ quan chức năng cần mở sàn vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân và NHNN thuận lợi quản lý, kiểm soát thị trường này.

Nhưng trên báo Vneconomy, TS Phạm Đỗ Chí thẳng thắn đặt vấn đề: Không phải cứ thấy nguồn lực lớn thì tính ngay chuyện huy động. Nếu huy động được khối lượng vàng giá trị khổng lồ đó vào nền kinh tế, phải tính làm thế nào để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng kinh tế cho quốc gia. Ông Chí còn nhấn mạnh: NHNN không nên tính đến câu chuyện này, vì rủi ro cho dân và cho ngân sách quốc gia rất lớn…

Khi NHNN chưa công bố hướng lựa chọn cụ thể, các chuyên gia còn đắn đo đa chiều. Nền kinh tế lại đang khó khăn, rất cần nguồn lực lớn để hỗ trợ. Cũng khó phủ định tâm lý người dân Việt Nam thường coi vàng là tài sản phòng thân. Rõ ràng, làm sao vừa ổn định được thị trường vàng, vừa tranh thủ được nguồn lực vàng trong dân vẫn đang là câu hỏi?./.