Sáng 25/10,  Bộ GD-ĐT công bố kết quả đánh giá kỹ năng đọc của học sinh (HS) đầu cấp Tiểu học ở Việt Nam trong năm học 2012-2013.

Bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, so với kết quả đánh giá kỹ năng đọc của các nước trên thế giới, học sinh Việt Nam có kỹ năng này còn thấp.

Theo khảo sát đối với 1.200 HS lớp 1 và lớp 3 của 40 trường Tiểu học thuộc 4 tỉnh: Điện Biên, Nghệ An, Gia Lai, Vĩnh Long, kết quả đọc của HS lớp 1 và HS lớp 3 cho thấy, nhìn chung, HS có tiến bộ đều về tất cả các kỹ năng đọc (trừ kỹ năng xác định âm đầu của tiếng) nhưng mức độ tiến bộ không đều ở các kỹ năng khác nhau.

anh-ngoai.jpg
Kỹ năng đọc đầu cấp tiểu học của học sinh còn thấp (Ảnh minh  họa)

Hai kỹ năng tỏ ra khó đối với học sinh là kỹ năng kiến thức về tên chữ cái và đọc tiếng tự tạo. Điều này chứng tỏ HS còn chưa thành thạo các nguyên tắc ghi âm và kỹ năng giải mã tiếng/từ. Kết quả các phần Đọc hiểu, Nghe hiểu và Chính tả vẫn còn tương đối thấp, đặc biệt thấp đối với HS lớp 1.

Tuy nhiên, kết quả đọc từ quen thuộc và đọc thành tiếng đoạn văn của HS cao hơn so với chuẩn kỹ năng của Bộ GD-ĐT đề ra.

Kết quả đánh giá kỹ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học ở Việt Nam cũng cho thấy,  HS lớp 1 ở các gia đình khá giả có xu hướng đạt kết quả cao hơn HS ở các gia đình khó khăn. Tuy nhiên, ở lớp 3, sự khác biệt đã không còn, thậm chí ở một số kỹ năng, HS ở gia đình khó khăn lại có kết quả cao hơn kết quả của HS ở các gia đình khá giả.

Giới tính của HS và kết quả đọc có mối quan hệ không đơn giản và một chiều. Ở lớp 1, sự khác biệt chỉ có ý nghĩa thống kê ở 2 phần, trong đó ở phần xác định âm đầu của tiếng, HS nam có kết quả cao hơn HS nữ. Ở phần đọc tiếng tự tạo, HS nữ có kết quả cao hơn HS nam. Ở lớp 3, sự khác biệt giới đã được thể hiện ở 4 phần là kiến thức về âm chữ cái, kiến thức về tên chữ cái, đọc tiếng quen thuộc và đọc tiếng tự tạo với xu hướng là HS nữ có kết quả cao hơn HS nam.

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, kỹ năng đọc của cả HS lớp 1 và lớp 3 tỉnh Điện Biên có kết quả cao nhất.

Để nâng cao kỹ năng đọc của HS đầu cấp Tiểu học, PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, Bộ GD-ĐT cần xem xét để điều chỉnh chuẩn đối với kỹ năng đọc trơn cho HS cấp Tiểu học vì chuẩn hiện hành tỏ ra khá thấp so với năng lực của đa số HS. Mặt khác, Bộ có thể đưa đánh giá kỹ năng đọc vào trong nhà trường để giáo viên có thể theo dõi được sự phát triển các kỹ năng đọc của HS và có sự điều chỉnh kịp thời.

Bộ GD-ĐT cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dạy-học ở các điểm trường lẻ vì hiện nay, kết quả đọc của HS điểm trường lẻ chưa theo kịp kết quả đọc của HS các điểm trường chính.

Ở nơi có nhiều HS dân tộc thiểu số và trình độ tiếng Việt của các em còn kém, nếu điều kiện cho phép, nên khuyến khích sử dụng trợ giảng dân tộc ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là lớp 1. Cũng nên khuyến khích giáo viên sử dụng đan xen cả tiếng Việt và tiếng dân tộc trong giảng dạy. Để làm được điều này thì nên tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên người Kinh học tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương để có thể sử dụng chúng trong giao tiếp với cha mẹ HS và dùng trên lớp học.

Ngoài việc giảng dạy ở nhà trường thì gia đình cần quan tâm và phối hợp với giáo viên trong việc tạo điều kiện tốt nhất để phát triển tốt các kỹ năng đọc cho con./.