Theo Thông tư mới của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 23/2013 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, tại những tỉnh, thành phố đang thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) ở mức 10 đến 15% thì giữ nguyên mức thu kể từ 1/4/2013. Với những địa phương nào thu cao hơn 15% thì áp dụng mức thu 15% cho đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố đó ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới. Đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) đăng ký lần thứ 2 trở đi nộp lệ phí trước bạ với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Sau đó, thành phố Hà Nội đã công bố áp dụng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu trên địa bàn giảm từ 20% xuống còn 15% đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe). Còn nhiều tỉnh, thành phố khác vẫn chưa có điều chỉnh phí đăng ký xe lần đầu.
Nếu không kiểm soát tốt, xe mới có thể "biến" thành xe cũ để hưởng phí trước bạ thấp hơn |
Với quy định mới này, có thể thấy mục tiêu hướng đến là hỗ trợ người tiêu dùng, góp phần kích cầu cho thị trường ô tô. Đặc biệt, với quy định giảm phí trước bạ đối với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi giảm mạnh từ 12% về 2% sẽ không chỉ kích cầu thị trường mà giúp người dân thực hiện tốt hơn quy định về việc sở hữu xe chính chủ.
Về việc hỗ trợ người tiêu dùng, góp phần kích cầu đã rõ, vì quy định giảm phí trước bạ, dù ít hay nhiều, đều tăng thêm lợi ích cho người tiêu dùng. Bởi lâu nay, phí trước bạ vẫn luôn là một yếu tố quan trọng can thiệp vào các quyết định mua xe hay không của người tiêu dùng, vì nó làm tăng đáng kể giá thành thực tế mà người mua xe phải chi trả.
Tác động của chính sách đã ngay lập tức đến thị trường. Đơn cử, trang Chinhphu.vn có phản ánh, trong ngày 1/4, tại các điểm đăng ký thủ tục phí trước bạ, lượng người dân đến làm thủ tục cao hơn nhiều so với thời điểm trước đó. Số lượng khách đến các salon ô tô xem hàng và đặt mua cũng tăng... Ví dụ, Chi cục Thuế quận Thanh Xuân có 28 trường hợp đến làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ ô tô, trong đó 18 trường hợp sang tên xe cũ, trong khi trước đó chỉ từ 1-2 xe/ngày.
Còn báo VnExpress, ngày 5/4, có phản ánh, tại Đội đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ - Phòng cảnh sát giao thông công an TP HCM, “nếu ngày 1/4 có 100 hồ sơ sang tên đổi chủ thì đến 2/4 con số này tăng lên gấp đôi với 206 hồ sơ. Sang 3/4 là 237. Số hồ sơ sang tên đổi chủ trong ba ngày này gấp 1,5 lần tổng số hồ sơ xe sang tên đổi chủ trong tháng 2/2013”...
Phản ứng tích cực nêu trên, trước hết là một điều đáng mừng, thể hiện chính sách được hưởng ứng, thuận lòng dân. Tuy nhiên, tác động của chính sách mạnh nhất đến thị trường xe cũ trong nước thực hiện chuyển nhượng và sang tên đổi chủ. Điều này đã bắt đầu gây lo lắng cho xã hội rằng, việc giảm phí trước bạ này sẽ khiến thị trường ô tô cũ được thể tăng giá hàng loạt, tạo cơn sốt ảo để đánh lừa người tiêu dùng nhằm mục đích thu lợi.
Lo lắng này chắc chắn cũng không phải không có cơ sở. Bởi chính giới truyền thông đã loan tin, nhiều "trùm" buôn xe lớn ở Hà Nội đã tung "quân" đi khắp các tỉnh quanh Hà Nội để lùng ôtô cũ, và xe đăng ký tên doanh nghiệp. Lý do chính là giảm phí trước bạ đăng ký từ lần 2 này, xe tỉnh lẻ cũng có thể tiêu thụ dễ dàng ở Hà Nội, với chi phí “biến” thành biển số Hà Nội rất nhẹ.
Đây chính là một điểm quan trọng khiến những lo lắng có cơ sở. Vì thị trường xe cũ tại Hà Nội (và những thành phố có mức trước bạ đăng ký xe lần đầu cao hơn so với các tỉnh thành khác) có thể bị đẩy giá lên. Bởi vì, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu mua xe cũ tăng để giảm gánh nặng chi phí và được hưởng phí trước bạ thấp hơn. Tuy nhiên, nếu bị đẩy giá thì người tiêu dùng vẫn bị thiệt, thậm chí giảm phí trước bạ không thấm vào đâu so với giá xe bị đẩy tăng.
Thêm nữa, khó ai dám chắc sẽ không xảy ra tình trạng người tiêu dùng, đặc biệt là giới kinh doanh tìm cách lách luật, mua xe mới đem đi đăng ký tại tỉnh lẻ để hưởng mức phí thấp hơn, sau đó lại chuyển nhượng để hưởng phí xe đăng ký lần 2. Như thế, chỉ bằng một số động tác, trong thời gian nhất định có thể “hô biến” xe mới thành xe cũ. Thử tính, đăng ký xe mới tại tỉnh lẻ mà có phí 10%, sau đó chuyển nhượng thêm 2% nữa để về Hà Nội, vẫn được lợi 3% so với phí đăng ký mới lần đầu tại Hà Nội là 15%. Cho dù thêm chi phí nhờ người khác đứng tên, hay phí “bôi trơn” nào đó (nếu có), cũng không thể hết 3% hưởng lợi chênh lệch.
Như thế, với những chiếc xe tiền tỷ, chắc chắn món lợi rơi vào túi người lách luật “đi vòng” để đưa xe về Hà Nội sẽ không ít. Do đó, kẽ hở này nếu không được quản lý, kiểm soát chặt sẽ gây thất thu cho nhà nước, gây nhiễu thị trường xe, tăng áp lực quản lý phương tiện cho Hà Nội và những thành phố lớn nếu có mức phí đăng ký lần đầu cao hơn. Đặc biệt, người tiêu dùng thực sẽ ít được hưởng lợi, trong khi có thể đem lại những món lợi “khủng” cho các đại lý, cò đăng ký xe và chuyển vùng xe..../.