“Hồi hộp bởi không biết bản thân có làm tròn trách nhiệm của một người giám thi hay không nhưng được đi làm giám thị cũng oai lắm chứ, được nghe các bạn thí sinh chào cô cũng thấy thích”- bạn Vũ Thanh Hà (Học viện Ngoại giao) chia sẻ.
Các bạn trẻ Học viện Ngoại giao tại hội đồng coi thi |
Còn với bạn Nguyễn Nhật Anh (Học viện Ngoại giao) đây là lần thứ hai bạn đi làm giám thị nên cảm giác lo lắng hồi hộp đã đỡ hơn lần đầu. Nhật Anh cho biết: “Tôi tham gia công tác coi thi bởi vì tôi muốn "tiếp sức" cho các thí sinh về mặt tâm lý để các bạn cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, tập trung hoàn thành bài thi tốt nhất.”
Và cũng không ít khó khăn
Đi làm giám thị cũng nghĩa là các sinh viên bước vào một môi trường làm việc nghiêm túc, có quy định chặt chẽ về giờ giấc. Từ 6 giờ sáng các bạn đã phải có mặt ở hội đồng tuyển sinh. Lúc đánh số báo danh, đếm số bài thi phải cẩn thận để làm sao không bị nhầm, bị thiếu. Đối với các bạn thí sinh, phải tạo không khí cởi mở, dễ chịu mà lại không được quá dễ dãi. Rồi đến chuyện ăn mặc sao cho đàng hoàng, chỉn chu cũng là những chuyện làm đau đầu không ít bạn sinh viên.
Dù chỉ là làm giám thị chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, nhưng những bạn sinh viên cũng đã phải hy sinh không ít thời gian và cơ hội khác của bản thân. Bạn Trịnh Thị Minh Nga (đại học Luật Hà Nội) kể mùa hè năm ấy, bà chủ nhà trọ bỗng nhiên sửa nhà nên chỗ trọ hiện tại bạn không thể ở được. Đang lúc dọn hành lý để chuẩn bị về quê thì đột nhiên bạn nghe tin trường cử đi làm giám thị. Nga đành phải bán lại chiếc vé xe đã mua sẵn, gọi điện cho bạn bè khắp nơi để ở nhờ.
Bạn Nguyễn Thành Nam (Học viện Ngoại giao) cho biết: “Làm giám thị tuy có trợ cấp nhưng chả bằng lương tôi đi làm thêm. Tôi phải xin sếp gác lại toàn bộ công việc, chỉ làm buổi tối. Làm giám thị dù mệt thì có mệt nhưng trường đã tin tưởng thì tôi phải cố hoàn thành.”
Bạn Vũ Đình Đồng - Đại học FPT |
Rồi còn những kỷ niệm, những sai lầm mà mấy giám thị trẻ vì bỡ ngỡ, lạ lẫm không thể tránh khỏi. Bạn Vũ Đình Đồng (đại học FPT) chia sẻ rằng lần đầu tiên Đồng đi trông thi thay vì chỉ cho thí sinh được nghỉ tại chỗ 10 phút giữa hai phần thi trắc nghiệm và viết luận thì bạn lại cho tất cả thí sinh của phòng thi ra ngoài. “Cũng may là không có chuyện gì xảy ra, nhưng kể từ đấy không bao giờ tôi không dám mắc thêm một lỗi nào nữa”- Đồng nói.
“Hôm làm thủ tục dự thi, có một thí sinh đã mang 1 xếp tiền lẻ lên cho cán bộ coi thi để cán bộ coi thi có tiền lẻ trả lại cho các thí sinh khác. Chuyện ấy tuy nhỏ thôi nhưng tôi thấy ấn tượng”- Diễm (Học viện Ngoại giao) kể.
Hay như câu chuyện của bạn Hà (Học viện Ngoại giao) thấy em thí sinh bị ốm khi đi thi, cứ sụt sịt hoài, bạn nhờ người quen mua hộ cho bịch khăn giấy cùng viên thuốc làm em thí sinh đó cảm động lắm. Sau buổi thi hôm ấy em thí sinh cứ khoe mãi với mẹ.
Niềm vui của những giám thị sinh viên chính là khi thấy những thí sinh làm được bài. Sau mỗi kì thi như vậy, các bạn sinh viên trẻ lại cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, có thêm được nhiều kinh nghiệm và có thêm bạn bè là những thí sinh từ mọi miền Tổ quốc./.