Sáng nay (10/7), thí sinh khối B, C, D thi nốt môn cuối cùng của đợt 2 kỳ thi ĐH năm 2013. Theo đó, thí sinh khối B thi Hóa học; khối C, D thi Ngữ văn.
Tại Hội đồng thi trường Đại học Nội vụ, nửa tiếng trước khi kết thúc thời gian làm bài thi môn Ngữ văn khối D, rất đông thí sinh ra khỏi phòng thi sớm. Theo đa số thí sinh, đề Văn năm nay khó, đòi hỏi thí sinh phải phát huy được tính sáng tạo trong bài làm của mình. Đặc biệt với câu nghị luận xã hội về tính cách thụ động của người Việt Nam qua ý kiến của chàng trai Việt kiều Tran Hung John khiến nhiều thí sinh cảm thấy thích thú.
Nguyên văn câu nghị luận xã hội của đề thi Đại học học khối D môn Văn như sau:
"Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:
Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải là người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
Anh/ chị có đồng tính với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của mình".
Thí sinh ra về sau khi làm xong bài thi môn Văn sáng 10/7 |
Đứng trước câu hỏi này, không ít thí sinh sau khi đọc đề xong chưa định hình được những gì cần viết trong bài làm của mình. Thí sinh Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) dự thi khoa Lưu trữ học cho biết: "Lúc đọc đề, cả phòng em đều kêu khó. Em không biết Tran Hung John là ai, để phân tích ý kiến này của ông ấy cũng khiến em gặp nhiều khó khăn".
Còn thí sinh Lưu Thị Trang (đế từ Hưng Yên) dự thi khoa Quản trị văn phòng lại khá thích thú với câu nghị luận xã hội này. Trang cho rằng, ý kiến nhận xét con người Việt Nam thụ động là đúng. Nhưng để nói về quan điểm sống thì em không đồng tình: "Người viết nói là tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường chứng tỏ quan điểm sống cũng khá thụ động. Em nhận thấy quan điểm sống như vậy chưa đúng đắn, chưa mới mẻ. Em nêu ra quan điểm sống của mình là phải năng động, sáng tạo hơn trong mọi việc".
Nhận xét về câu nghị luận xã hội của đề Văn khối D năm nay, thí sinh Khúc Thị Ngọc Oanh (đến từ Thái Bình) cho rằng, đề thi khá sáng tạo so với các năm trước: "Mọi năm, em thấy câu nghị luận xã hội thường đưa ra một đạo lý, hay câu nói của danh nhân, mà những câu đó thường rất nổi tiếng và chuẩn rồi nên mình chỉ phân tích, giải thích ra thôi. Còn với quan điểm sống của chàng trai Việt kiều về tính thụ động của người Việt Nam có bạn đồng tình, có bạn không. Chúng em được tự do bày tỏ quan điểm của mình hơn".
Với những câu còn lại về tác phẩm "Người lái đò sông Đà", "Vội vàng", "Chiếc thuyền ngoài xa", các thí sinh cũng đánh giá khó hơn những năm trước.
Thí sinh Lưu Thị Trang cho biết với đề thi này, thí sinh không thể học vẹt, học tủ mà phải hiểu sâu tác phẩm và phát huy được tính sáng tạo của mình thì mới có thể làm tốt được.
Thí sinh thích thú với đề văn bàn về lối sống khôn khéo
Sáng, thí sinh cả nước đã kết thúc môn thi Ngữ văn khối C, D trong kỳ thi tuyển sinh Đại học đợt II, năm 2013. Môn thi Ngữ văn thời gian làm bài là 180 phút, hình thức thi tự luận.
Ghi nhanh tại điểm thi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), mặc dù 10h15 mới hết giờ làm bài môn Văn, nhưng nhiều thí sinh chỉ sử dụng hết 2/3 thời gian. Các thí sinh đánh giá đề thi môn Ngữ văn khối C năm nay vừa sức với các em, không có câu hỏi “đánh đố”.
Hoàn thành bài thi chỉ trong 150 phút, thí sinh Phạm Tố Uyên (quê Thanh Hóa), dự thi khoa Xã hội học – trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết so với năng lực của mình, đề thi Ngữ văn năm nay không quá khó. Uyên rất thích thú với câu hỏi nghị luận xã hội về mặt tích cực, tiêu cực của lối sống khôn khéo.
“Em thấy câu hỏi rất hay, có ý nghĩa và tác động lớn tới thế hệ trẻ chúng em. Trong sự phát triển hàng ngày của xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay một bộ phận không nhỏ trong số chúng ta đang lợi dụng quá nhiều lối sống khôn khéo vào các ứng xử hàng ngày khiến cho nó mất dần đi bản chất tốt đẹp vốn có. Khôn khéo quá sẽ khiến chúng ta trở nên ích kỷ, chỉ muốn những điều có lợi cho bản thân, lâu dần hình thành tính cách giả tạo”, Uyên phân tích.
Ngoài ra, thí sinh ngày cũng khá tự tin về câu cảm nhận sự nhẫn nhục của hai nhân vật Từ (trong truyện ngắn Đời thừa – của tác giả Nam Cao) và người đàn bà hàng chài (trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa – của Nguyễn Minh Châu). “Em đã ôn luyện kỹ vào hai tác phẩm này nên làm bài khá tốt. Em nghĩ ít nhất mình được 7 điểm”, Uyên tự tin nói.
Ít phút sau, khi tiếng trống báo hiệu giờ thi môn Ngữ văn kết thúc, các thí sinh ùa ra cổng trường và tíu tít trả lời những câu hỏi của người nhà với vẻ phấn khởi. Hớn hở chạy tới với người nhà đợi ngoài cổng, thí sinh Nguyễn Thị Vân (quê ở Thanh Hóa), thi khoa Quản trị dịch vụ, du lịch và lữ hành (trường ĐH KHXH&NV) “khoe” đề dễ và làm được hết các câu hỏi.
Ưng ý nhất vào câu hỏi hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến (của Quang Dũng), Vân chia sẻ: “Đề thi không yêu cầu phân tích thơ như các năm trước mà đưa ra hai ý kiến về người lính, sau đó thí sinh trình bày cảm nhận của mình. Em rất thích kiểu ra đề như vậy, vì có những người không học thuộc hết thơ vẫn có thể làm được, bằng cách liên hệ những kiến thức xã hội, kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa”.
Khác với tâm trạng tự tin của Vân, thí sinh Lê Quỳnh Trang (Quê ở Thái Bình), thi khoa Việt Nam học vẻ mặt buồn rầu vì “lệch tủ”. Do chủ quan không ôn hết các dạng đề có thể ra về câu hỏi nghị luận, nên thí sinh này khá mơ hồ về bài làm.
“Em thấy xu hướng ra đề các năm gần đây hay ra về các vấn đề thời sự, xã hội, nên em chỉ tập trung ôn về các vấn đề nóng như: lòng dũng cảm cứu người đuối nước, sự vươn lên thoát khỏi nghịch cảnh… chứ không nghĩ là sẽ ra về lối sống khôn khéo. Hy vọng câu 5 điểm về hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến sẽ kéo lại điểm”- Quỳnh Trang tâm sự./.